Chương : 50
SAU KINH TỐI (tt và hết)
Tác giả: Umberto Eco
Thầy rút từ áo dòng ra mảnh giấy của Venantius và đọc lại: “Đặt tay trên thần thứ nhất và thứ bảy của thứ tư”. Thầy nhìn quanh: - Ủa, đúng rồi “Thần” là hình ảnh ở trong gương! Venantius nghĩ bằng tiếng Hy lạp vì trong ngôn ngữ đó, còn rõ hơn trong ngôn ngữ của chúng ta nữa, từ "eidolon” vừa có nghĩa là hình ảnh vừa là ma, và tấm gương phản chiếu chính hình ảnh biến dạng của chúng ta, khiến chúng ta nhầm tưởng là bóng ma đấy! Thế nhưng, cái gì là cái thứ tư "trên thần" nhỉ? Một cái gì trên bề mặt phản chiếu này à? Thế thì chúng ta phải đặt mình vào một góc cạnh nhất định nào đủ để nhận ra một vật phản chiếu trong tấm gương, ứng hợp với sự miêu tả của Venantius…
Chúng tôi thử ở mọi vị trí, nhưng vô ích. Ngoài hình ảnh của chúng tôi ra, tấm gương chỉ phản chiếu những đường nét mờ ảo của căn phòng, dưới ánh đèn tù mù… Thầy William suy nghĩ:
- Thế thì, khi nói “trên thần”, Huynh ấy có thể muốn chỉ bên ngoài tấm gương… như vậy chúng ta buộc phải sang phòng kế, vì tấm gương này chắc hẳn là một cánh cửa…
Gương này cao hơn tầm thước một người trung bình, được gắn chặt vào tường, nhờ một khung gỗ sồi chắc chắn. Chúng tôi sờ khắp nơi, cố đút ngón tay vào kẽ giữa tường và khung gỗ, nhưng tấm gương dính chặt cứng ngắc như một thành phần của bức tường, như một viên đá trong đống đá.
- Nếu không phải bên ngoài, thì có thể là bên trên. – Thầy William thầm thì và kiễng chân, giơ tay lên sờ dọc theo cạnh trên của khung gỗ. Thầy chẳng thấy gì ngoài bụi. Thầy buồn bã suy nghĩ:
- Về chuyện này, dù bên ngoài tấm gương này có một căn phòng thì quyển sách mà chúng ta và các tu sĩ khác tìm kiếm cũng chẳng còn trong phòng đó nữa, vì đầu tiên, Venantius đã lấy nó đi và rồi Berengar đã mang nó đi đâu chỉ có Chúa mới biết.
- Nhưng có lẽ Berengar đã mang nó trở lại đây.
- Không, đêm đó chúng ta đang ở trong thư viện, và mọi dữ kiện đều cho thấy Huynh ấy chết sau khi trộm quyển sách chẳng bao lâu, cũng trong cùng đêm ấy, trong nhà tắm. Nếu không, chúng ta đã gặp lại Huynh ấy buổi sáng kế tiếp rồi. Chẳng sao… Tạm thời, chúng ta đã xác định được “finis Africae” là ở đâu và đã thâu thập được gần như đầy đủ các dữ kiện cần thiết để hoàn thiện tấm bản đồ thư viện, của chúng ta. Con phải công nhận rằng, nhiều bí ẩn trong Mê cung đã được sáng tỏ.
Chúng tôi đã đi qua các phòng khác, ghi lại tất cả các phát hiện của chúng tôi lên bản đồ. Chúng tôi đến những phòng chỉ chất toàn các bản viết về toán học và thiên văn học, những phòng khác chứa các tác phẩm viết bằng chữ Xy-ri mà thầy trò tôi chẳng ai biết, các phòng khác nữa xếp sách viết bằng thứ chữ khó nhận ra, có lẽ là các bản viết từ Ấn độ. Chúng tôi đi lại giữa hai chuỗi phối hợp JUDAEA[11] và AEGYPTUS[12]. Tóm lại, để đọc giả khỏi nhàm chán vì trình tự giải mã của chúng tôi, sau khi đã hoàn tất bản đồ, chúng tôi tin rằng thư viện quả thực đã được xây cất và sắp xếp theo hình ảnh của một quả cầu đất và nước. Về hướng bắc, chúng tôi thấy ANGLIA[13] và GERMANI[14], dọc theo bức tường phía tây nối với GALLIA[15], rồi ở cực tây biến thành HIBERNIA, và về hướng tường nam là ROMA (thiên đường của La tinh cổ đại) và YSPANIA. Mạn nam có LEONES và AEGYPTUS, dần lên hướng đông trở thành JUDAEA và FONS ADAE. Giữa tháp đông và bắc, dọc theo tường là ACAI, thầy William bảo đây là một phép cải dung hay để chỉ Hy Lạp, và trong bốn phòng đó có một kho chứa sách của các nhà thơ và triết gia thời đa thần cổ xưa.
Hệ thống sắp từ rất kỳ quặc. Lúc thì hướng thẳng, lúc thì giật lùi, lúc thì chạy vòng. Như tôi đã nói, nhiều khi cùng một mẫu tự được dùng để cấu tạo hai từ khác nhau; trong trường hợp này, căn phòng có hai kệ: mỗi kệ một đề tài. Nhưng rõ ràng tìm kiếm một khuôn vàng trong cách sắp xếp này chỉ hoài công. Nó thuần túy chỉ là một công cụ nhớ, cho phép quản thư viện tìm được một tác phẩm nhất định nào đó. Một quyển sách tìm thấy trong “quarta Acaiae” có nghĩa là quyển sách đó nằm trong phòng thứ tư, đếm từ phòng trong đó xuất hiện mẫu tự đầu A. Và để tìm đến phòng này, quản thư viện phải thuộc lòng con đường vòng hay thẳng dẫn đến nó, cũng như ACAI được phân bố trên bốn phòng xếp thành hình vuông. Thế là chúng tôi nhanh chóng học được trò chơi của những bức tường trống. Thí dụ, từ hướng đông đi đến ACAI, người ta sẽ thấy không có phòng nào dẫn sang các phòng kế đó: mê cung chấm dứt ở khu vực này, và muốn đến ngọn tháp phía bắc, người ta phải đi xuyên suốt ba ngọn tháp kia. Nhưng dĩ nhiên, các quản thư viện vào từ FONS, sẽ thừa biết rằng muốn đến, thí dụ như ANGLIA chẳng hạn, sẽ phải qua AEGYPTUS, YSPANIA, GALLIA và GERMANI mà thôi.
Cuộc thám hiểm thư viện của chúng tôi kết thúc với những thành quả tốt đẹp như thế. Nhưng trước khi bảo rằng chúng tôi khoan khoái rời Thư viện, tôi xin thú thực cùng quý độc giả một điều.
Cuộc thám hiểm của chúng tôi được tiến hành với mục tiêu chính yếu là tìm cho ra chìa khóa chỉ lối vào nơi bí ẩn này. Tuy nhiên, trong khi đánh dấu sự sắp xếp và đề tài của các phòng, chúng tôi cũng có nán lại giở xem nhiều loại sách, tựa như thám hiểm một lục địa bí ẩn hay một miền đất lạ. Cuộc thám hiểm thứ hai này thường được đồng tình tiến hành khi thầy trò tôi xem lướt qua cùng loại sách, tôi chỉ cho thầy xem những quyển lạ nhất còn thầy giải thích cho tôi những điều tôi chưa hiểu.
Nhưng đến một điểm nọ, khi chúng tôi vừa mới đi quanh các phòng trong ngọn tháp phía nam thuộc khu LEONES, thầy tôi chợt dừng tại một phòng đầy sách Ả rập với nhiều hình vẽ dị thường. Vì đêm đó, chúng tôi đem theo hai ngọn đèn nên tôi bèn tò mò bước sang phòng kế, và nhận ra rằng đồ án thông thái và kín đáo của Thư viện đã tích lũy vào bức tường này những quyển sách không thể đưa cho ai đọc, vì chúng được viết về các loại bệnh trong tâm xác, dưới nhiều dạng khác nhau và hầu như toàn do các học giả vô thần viết. Một quyển sách đập vào mắt tôi, nó không lớn, nhưng được minh họa bằng những hình vẽ thu nhỏ. Tựa sách là “Gương tình yêu ”[16], tác giả: Maximus xứ Bologna, bao gồm nhiều câu trích dẫn từ các tác phẩm khác, tất cả đều nói về bệnh tương tư. Chắc quý độc giả thừa hiểu rằng quyển sách đã thổi bùng lên ngọn lửa trong trí óc tôi, từ sáng đến giờ vốn đã nguội lạnh, khiến nó thổn thức nhớ đến hình ảnh cô gái.
Suốt ngày hôm nay, tôi đã cố xua đi nỗi phiền muộn của mình, nhắc đi nhắc lại rằng một tu sinh minh mẫn, thăng bằng chớ nên suy nghĩ như vậy. Hơn thế, trong ngày đã xảy ra nhiều biến cố căng thẳng, nên lòng tôi cũng nguôi ngoai khuây khỏa, tôi nghĩ mình đã thôi bị cơn bứt rứt thoáng qua dày vò nữa. Thế nhưng mới chỉ xem qua quyển sách, tôi liền phát hiện mình bị bệnh thất tình nặng hơn mình nghĩ. Tôi liếc vội vàng qua các trang sách vì sợ thầy William bước vào hỏi tôi đang nghiền ngẫm thứ gì say mê thế, tin rằng tôi đang mắc một thứ bệnh, có thể nói là bình thường, như vô số người đã mắc phải, và có thể xem tôi như một con bệnh mẫu vậy.
Tôi rất xúc động khi đọc các trang sách của Ibn-Hazm, ông định nghĩa tình yêu là một thứ bệnh có thể tự chữa trị, vì con bệnh không muốn lành và không thích ai chạy chữa. Tôi kinh hoảng đọc thấy một người yêu đương cuồng nhiệt, khi không được gặp đối tượng thương yêu của mình, thì thể xác sẽ khô héo và thường phải nằm liệt giường, đôi khi cơn bệnh tấn công não bộ khiến con bệnh mất trí, nói năng lảm nhảm. Nếu bệnh càng trầm kha thì cái chết sẽ theo liền, tôi tự hỏi không biết niềm vui được nhớ nhung này có đáng hy sinh thân xác cao quý của mình như vậy không, chưa kể đến những nỗi đau khác trong tâm hồn.
Cuối cùng, tôi chẳng nghi ngờ gì về bệnh tình trầm trọng của mình khi đọc các lời trích dẫn từ học giả vĩ đại Avicenna. Tiếc thay Avicenna đã đưa ra một phương pháp chữa trị là cho đôi tình nhân thành vợ thành chồng với nhau, như vậy sẽ chữa lành bệnh. Ông quả thực là một người vô thần, dù rất khôn ngoan đi nữa, vì không xem xét đến hiện trạng của một tu sinh dòng Benedict, như thế người ấy sẽ bị đọa đày, hay đúng hơn, được tôn phong không bao giờ lành bệnh. Cũng may Avicenna có xem xét đến trường hợp của những tình nhân không thành hôn với nhau được, và đề nghị phương pháp điều trị triệt để là tắm nước nóng. Thế có phải hôm nọ Berengar tắm nước nóng để chữa bệnh thất tình của mình đối với tình nhân Adelmo quá cố không nhỉ? Nhưng có phải người ta mắc bệnh thất tình đối với người cùng phái, hay đó chỉ là nhục dục thú vật? Avicenna cũng đưa ra cách chữa trị khác, chẳng hạn như nhờ một mụ già chuyên nghiệp phỉ báng người yêu của mình – dường như mấy mụ già giỏi việc này hơn đàn ông. Có lẽ phương pháp này chữa hay đấy, nhưng tôi chẳng thấy có mụ già nào trong tu viện, như thế, tôi phải nhờ một tu sĩ nào đó chê bai cô gái đó giùm tôi ư? Nhưng nhờ ai cơ chứ? Hơn nữa, một tu sĩ có hiểu đàn bà rõ như một mụ già lắm mồm không? Phương pháp chữa trị cuối cùng của Saracen đề nghị mới thực là thất đức, vì nó yêu cầu kẻ tương tư khốn khổ đó cặp với nhiều cô gái nô lệ, một cách chữa hoàn toàn không thích hợp với một tu sĩ. Cuối cùng tôi tự hỏi, làm sao một tu sĩ trẻ thoát khỏi bệnh “tình” đây? Không có cách nào cứu chữa ư? Tôi có nên cầu cứu Severinus và các cây thuốc của Huynh ấy không? Mãi tôi mới tìm thấy một đoạn trong tác phẩm của Arnold xứ Villanova, người mà thầy William đã kính cẩn nhắc đến. Phương pháp do Arnold đề nghị là cố từ bỏ mọi hy vọng tiếp cận đối tượng mình yêu, như thế, mọi ám ảnh sẽ tan biến.
Tôi nhủ thầm, trời ơi, thế thì mình đã lành, hay gần lành bệnh rồi, vì tôi có rất ít, hầu như không có hy vọng gặp lại đối tượng mình yêu, và nếu có gặp lại cũng chẳng có hy vọng đạt tới nàng, và nếu có đạt tới thì chẳng có hy vọng chiếm giữ, và nếu có chiếm giữ hay giữ gần mình thì vì tình trạng tu hành lẫn những trách nhiệm do danh dự gia đình đặt lên thì… Tôi nhủ thầm, mình được cứu chữa rồi, bèn xếp sách, định thần lại, vừa khi thầy William bước vào phòng.
Chú thích:
[1] Ái Nhĩ Lan
[2] Mặc Khải
[3] Miền Thule xa xôi nhất, đối với những người cổ đại là miền ban đầu
[4] Thiên đàng hạ giới
[5] Virgil: (72-19 trước Công nguyên): nhà thơ, nhà ngữ pháp học La mã, tác giả trường ca La tinh “AENEID”
[6] Tây Ban Nha
[7] Khu vực đế chế La mã cổ xưa, bao gồm lãnh thổ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay
[8] Sư tử
[9] “De aspectibus”
[10] Hai mươi bốn vị niên trưởng ngồi trên ngai
[11] Xứ Ju-đa, nay là Palestine
[12] Hy Lạp
[13] Nước Anh
[14] Người nước Đức
[15] Người xứ Gaul
[16] “Speculam amoris”
Tác giả: Umberto Eco
Thầy rút từ áo dòng ra mảnh giấy của Venantius và đọc lại: “Đặt tay trên thần thứ nhất và thứ bảy của thứ tư”. Thầy nhìn quanh: - Ủa, đúng rồi “Thần” là hình ảnh ở trong gương! Venantius nghĩ bằng tiếng Hy lạp vì trong ngôn ngữ đó, còn rõ hơn trong ngôn ngữ của chúng ta nữa, từ "eidolon” vừa có nghĩa là hình ảnh vừa là ma, và tấm gương phản chiếu chính hình ảnh biến dạng của chúng ta, khiến chúng ta nhầm tưởng là bóng ma đấy! Thế nhưng, cái gì là cái thứ tư "trên thần" nhỉ? Một cái gì trên bề mặt phản chiếu này à? Thế thì chúng ta phải đặt mình vào một góc cạnh nhất định nào đủ để nhận ra một vật phản chiếu trong tấm gương, ứng hợp với sự miêu tả của Venantius…
Chúng tôi thử ở mọi vị trí, nhưng vô ích. Ngoài hình ảnh của chúng tôi ra, tấm gương chỉ phản chiếu những đường nét mờ ảo của căn phòng, dưới ánh đèn tù mù… Thầy William suy nghĩ:
- Thế thì, khi nói “trên thần”, Huynh ấy có thể muốn chỉ bên ngoài tấm gương… như vậy chúng ta buộc phải sang phòng kế, vì tấm gương này chắc hẳn là một cánh cửa…
Gương này cao hơn tầm thước một người trung bình, được gắn chặt vào tường, nhờ một khung gỗ sồi chắc chắn. Chúng tôi sờ khắp nơi, cố đút ngón tay vào kẽ giữa tường và khung gỗ, nhưng tấm gương dính chặt cứng ngắc như một thành phần của bức tường, như một viên đá trong đống đá.
- Nếu không phải bên ngoài, thì có thể là bên trên. – Thầy William thầm thì và kiễng chân, giơ tay lên sờ dọc theo cạnh trên của khung gỗ. Thầy chẳng thấy gì ngoài bụi. Thầy buồn bã suy nghĩ:
- Về chuyện này, dù bên ngoài tấm gương này có một căn phòng thì quyển sách mà chúng ta và các tu sĩ khác tìm kiếm cũng chẳng còn trong phòng đó nữa, vì đầu tiên, Venantius đã lấy nó đi và rồi Berengar đã mang nó đi đâu chỉ có Chúa mới biết.
- Nhưng có lẽ Berengar đã mang nó trở lại đây.
- Không, đêm đó chúng ta đang ở trong thư viện, và mọi dữ kiện đều cho thấy Huynh ấy chết sau khi trộm quyển sách chẳng bao lâu, cũng trong cùng đêm ấy, trong nhà tắm. Nếu không, chúng ta đã gặp lại Huynh ấy buổi sáng kế tiếp rồi. Chẳng sao… Tạm thời, chúng ta đã xác định được “finis Africae” là ở đâu và đã thâu thập được gần như đầy đủ các dữ kiện cần thiết để hoàn thiện tấm bản đồ thư viện, của chúng ta. Con phải công nhận rằng, nhiều bí ẩn trong Mê cung đã được sáng tỏ.
Chúng tôi đã đi qua các phòng khác, ghi lại tất cả các phát hiện của chúng tôi lên bản đồ. Chúng tôi đến những phòng chỉ chất toàn các bản viết về toán học và thiên văn học, những phòng khác chứa các tác phẩm viết bằng chữ Xy-ri mà thầy trò tôi chẳng ai biết, các phòng khác nữa xếp sách viết bằng thứ chữ khó nhận ra, có lẽ là các bản viết từ Ấn độ. Chúng tôi đi lại giữa hai chuỗi phối hợp JUDAEA[11] và AEGYPTUS[12]. Tóm lại, để đọc giả khỏi nhàm chán vì trình tự giải mã của chúng tôi, sau khi đã hoàn tất bản đồ, chúng tôi tin rằng thư viện quả thực đã được xây cất và sắp xếp theo hình ảnh của một quả cầu đất và nước. Về hướng bắc, chúng tôi thấy ANGLIA[13] và GERMANI[14], dọc theo bức tường phía tây nối với GALLIA[15], rồi ở cực tây biến thành HIBERNIA, và về hướng tường nam là ROMA (thiên đường của La tinh cổ đại) và YSPANIA. Mạn nam có LEONES và AEGYPTUS, dần lên hướng đông trở thành JUDAEA và FONS ADAE. Giữa tháp đông và bắc, dọc theo tường là ACAI, thầy William bảo đây là một phép cải dung hay để chỉ Hy Lạp, và trong bốn phòng đó có một kho chứa sách của các nhà thơ và triết gia thời đa thần cổ xưa.
Hệ thống sắp từ rất kỳ quặc. Lúc thì hướng thẳng, lúc thì giật lùi, lúc thì chạy vòng. Như tôi đã nói, nhiều khi cùng một mẫu tự được dùng để cấu tạo hai từ khác nhau; trong trường hợp này, căn phòng có hai kệ: mỗi kệ một đề tài. Nhưng rõ ràng tìm kiếm một khuôn vàng trong cách sắp xếp này chỉ hoài công. Nó thuần túy chỉ là một công cụ nhớ, cho phép quản thư viện tìm được một tác phẩm nhất định nào đó. Một quyển sách tìm thấy trong “quarta Acaiae” có nghĩa là quyển sách đó nằm trong phòng thứ tư, đếm từ phòng trong đó xuất hiện mẫu tự đầu A. Và để tìm đến phòng này, quản thư viện phải thuộc lòng con đường vòng hay thẳng dẫn đến nó, cũng như ACAI được phân bố trên bốn phòng xếp thành hình vuông. Thế là chúng tôi nhanh chóng học được trò chơi của những bức tường trống. Thí dụ, từ hướng đông đi đến ACAI, người ta sẽ thấy không có phòng nào dẫn sang các phòng kế đó: mê cung chấm dứt ở khu vực này, và muốn đến ngọn tháp phía bắc, người ta phải đi xuyên suốt ba ngọn tháp kia. Nhưng dĩ nhiên, các quản thư viện vào từ FONS, sẽ thừa biết rằng muốn đến, thí dụ như ANGLIA chẳng hạn, sẽ phải qua AEGYPTUS, YSPANIA, GALLIA và GERMANI mà thôi.
Cuộc thám hiểm thư viện của chúng tôi kết thúc với những thành quả tốt đẹp như thế. Nhưng trước khi bảo rằng chúng tôi khoan khoái rời Thư viện, tôi xin thú thực cùng quý độc giả một điều.
Cuộc thám hiểm của chúng tôi được tiến hành với mục tiêu chính yếu là tìm cho ra chìa khóa chỉ lối vào nơi bí ẩn này. Tuy nhiên, trong khi đánh dấu sự sắp xếp và đề tài của các phòng, chúng tôi cũng có nán lại giở xem nhiều loại sách, tựa như thám hiểm một lục địa bí ẩn hay một miền đất lạ. Cuộc thám hiểm thứ hai này thường được đồng tình tiến hành khi thầy trò tôi xem lướt qua cùng loại sách, tôi chỉ cho thầy xem những quyển lạ nhất còn thầy giải thích cho tôi những điều tôi chưa hiểu.
Nhưng đến một điểm nọ, khi chúng tôi vừa mới đi quanh các phòng trong ngọn tháp phía nam thuộc khu LEONES, thầy tôi chợt dừng tại một phòng đầy sách Ả rập với nhiều hình vẽ dị thường. Vì đêm đó, chúng tôi đem theo hai ngọn đèn nên tôi bèn tò mò bước sang phòng kế, và nhận ra rằng đồ án thông thái và kín đáo của Thư viện đã tích lũy vào bức tường này những quyển sách không thể đưa cho ai đọc, vì chúng được viết về các loại bệnh trong tâm xác, dưới nhiều dạng khác nhau và hầu như toàn do các học giả vô thần viết. Một quyển sách đập vào mắt tôi, nó không lớn, nhưng được minh họa bằng những hình vẽ thu nhỏ. Tựa sách là “Gương tình yêu ”[16], tác giả: Maximus xứ Bologna, bao gồm nhiều câu trích dẫn từ các tác phẩm khác, tất cả đều nói về bệnh tương tư. Chắc quý độc giả thừa hiểu rằng quyển sách đã thổi bùng lên ngọn lửa trong trí óc tôi, từ sáng đến giờ vốn đã nguội lạnh, khiến nó thổn thức nhớ đến hình ảnh cô gái.
Suốt ngày hôm nay, tôi đã cố xua đi nỗi phiền muộn của mình, nhắc đi nhắc lại rằng một tu sinh minh mẫn, thăng bằng chớ nên suy nghĩ như vậy. Hơn thế, trong ngày đã xảy ra nhiều biến cố căng thẳng, nên lòng tôi cũng nguôi ngoai khuây khỏa, tôi nghĩ mình đã thôi bị cơn bứt rứt thoáng qua dày vò nữa. Thế nhưng mới chỉ xem qua quyển sách, tôi liền phát hiện mình bị bệnh thất tình nặng hơn mình nghĩ. Tôi liếc vội vàng qua các trang sách vì sợ thầy William bước vào hỏi tôi đang nghiền ngẫm thứ gì say mê thế, tin rằng tôi đang mắc một thứ bệnh, có thể nói là bình thường, như vô số người đã mắc phải, và có thể xem tôi như một con bệnh mẫu vậy.
Tôi rất xúc động khi đọc các trang sách của Ibn-Hazm, ông định nghĩa tình yêu là một thứ bệnh có thể tự chữa trị, vì con bệnh không muốn lành và không thích ai chạy chữa. Tôi kinh hoảng đọc thấy một người yêu đương cuồng nhiệt, khi không được gặp đối tượng thương yêu của mình, thì thể xác sẽ khô héo và thường phải nằm liệt giường, đôi khi cơn bệnh tấn công não bộ khiến con bệnh mất trí, nói năng lảm nhảm. Nếu bệnh càng trầm kha thì cái chết sẽ theo liền, tôi tự hỏi không biết niềm vui được nhớ nhung này có đáng hy sinh thân xác cao quý của mình như vậy không, chưa kể đến những nỗi đau khác trong tâm hồn.
Cuối cùng, tôi chẳng nghi ngờ gì về bệnh tình trầm trọng của mình khi đọc các lời trích dẫn từ học giả vĩ đại Avicenna. Tiếc thay Avicenna đã đưa ra một phương pháp chữa trị là cho đôi tình nhân thành vợ thành chồng với nhau, như vậy sẽ chữa lành bệnh. Ông quả thực là một người vô thần, dù rất khôn ngoan đi nữa, vì không xem xét đến hiện trạng của một tu sinh dòng Benedict, như thế người ấy sẽ bị đọa đày, hay đúng hơn, được tôn phong không bao giờ lành bệnh. Cũng may Avicenna có xem xét đến trường hợp của những tình nhân không thành hôn với nhau được, và đề nghị phương pháp điều trị triệt để là tắm nước nóng. Thế có phải hôm nọ Berengar tắm nước nóng để chữa bệnh thất tình của mình đối với tình nhân Adelmo quá cố không nhỉ? Nhưng có phải người ta mắc bệnh thất tình đối với người cùng phái, hay đó chỉ là nhục dục thú vật? Avicenna cũng đưa ra cách chữa trị khác, chẳng hạn như nhờ một mụ già chuyên nghiệp phỉ báng người yêu của mình – dường như mấy mụ già giỏi việc này hơn đàn ông. Có lẽ phương pháp này chữa hay đấy, nhưng tôi chẳng thấy có mụ già nào trong tu viện, như thế, tôi phải nhờ một tu sĩ nào đó chê bai cô gái đó giùm tôi ư? Nhưng nhờ ai cơ chứ? Hơn nữa, một tu sĩ có hiểu đàn bà rõ như một mụ già lắm mồm không? Phương pháp chữa trị cuối cùng của Saracen đề nghị mới thực là thất đức, vì nó yêu cầu kẻ tương tư khốn khổ đó cặp với nhiều cô gái nô lệ, một cách chữa hoàn toàn không thích hợp với một tu sĩ. Cuối cùng tôi tự hỏi, làm sao một tu sĩ trẻ thoát khỏi bệnh “tình” đây? Không có cách nào cứu chữa ư? Tôi có nên cầu cứu Severinus và các cây thuốc của Huynh ấy không? Mãi tôi mới tìm thấy một đoạn trong tác phẩm của Arnold xứ Villanova, người mà thầy William đã kính cẩn nhắc đến. Phương pháp do Arnold đề nghị là cố từ bỏ mọi hy vọng tiếp cận đối tượng mình yêu, như thế, mọi ám ảnh sẽ tan biến.
Tôi nhủ thầm, trời ơi, thế thì mình đã lành, hay gần lành bệnh rồi, vì tôi có rất ít, hầu như không có hy vọng gặp lại đối tượng mình yêu, và nếu có gặp lại cũng chẳng có hy vọng đạt tới nàng, và nếu có đạt tới thì chẳng có hy vọng chiếm giữ, và nếu có chiếm giữ hay giữ gần mình thì vì tình trạng tu hành lẫn những trách nhiệm do danh dự gia đình đặt lên thì… Tôi nhủ thầm, mình được cứu chữa rồi, bèn xếp sách, định thần lại, vừa khi thầy William bước vào phòng.
Chú thích:
[1] Ái Nhĩ Lan
[2] Mặc Khải
[3] Miền Thule xa xôi nhất, đối với những người cổ đại là miền ban đầu
[4] Thiên đàng hạ giới
[5] Virgil: (72-19 trước Công nguyên): nhà thơ, nhà ngữ pháp học La mã, tác giả trường ca La tinh “AENEID”
[6] Tây Ban Nha
[7] Khu vực đế chế La mã cổ xưa, bao gồm lãnh thổ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay
[8] Sư tử
[9] “De aspectibus”
[10] Hai mươi bốn vị niên trưởng ngồi trên ngai
[11] Xứ Ju-đa, nay là Palestine
[12] Hy Lạp
[13] Nước Anh
[14] Người nước Đức
[15] Người xứ Gaul
[16] “Speculam amoris”