Chương : 58
“Trưa hôm sau, chúng ta đến cổng nhà ông Stoichev đúng một giờ rưỡi. Helen siết chặt tay cha, phớt lờ sự hiện diện của Ranov, và ngay cả Ranov cũng có vẻ như đang vui như hội; gã mặc một bộ vest màu nâu sậm và ít cau có hơn thường lệ. Từ phía sau cánh cổng, chúng ta có thể nghe được tiếng chuyện trò, tiếng cười, mùi gỗ cháy và mùi thơm ngậy của thịt nướng. Nếu kiên quyết gạt khỏi tâm trí tất cả ý nghĩ vương vấn về thầy Rossi, hẳn cha cũng cảm thấy vui như hội. Cha linh cảm chính ngày hôm nay, trong tất cả mọi ngày, sẽ có một điều xảy ra giúp cha tìm được thầy, và cha nhủ thầm sẽ toàn tâm toàn ý tham gia buổi yến tiệc kỷ niệm Kiril và Methodius.
“Trong sân, chúng ta nhìn thấy đàn ông và một ít phụ nữ tụ tập thành từng nhóm dưới giàn lưới mắt cáo. Irina đi tới đi lui phía sau bàn, chất đầy thức ăn vào đĩa mọi người hoặc rót đầy ly thứ rượu mạnh màu hổ phách kia. Khi nhìn thấy chúng ta, cô vội vàng lao đến, dang rộng đôi tay, tựa như chúng ta là bạn bè đã thân quen. Cô bắt tay cha và Ranov rồi hôn lên hai má Helen. ‘Tôi rất vui vì các bạn đã đến. Cám ơn các bạn,’ cô thốt lên. ‘Từ lúc các bạn đến đây vào ngày hôm qua, cậu tôi không ngủ được chút nào và cũng chẳng ăn uống gì. Tôi hy vọng các bạn khuyên được ông ấy ăn chút gì đó.’ Gương mặt xinh đẹp của cô gái cau lại.
“ ‘Cô đừng lo,’ Helen trả lời. ‘Chúng tôi sẽ cố hết sức thuyết phục ông ấy.’
“Chúng ta thấy Stoichev trông như thể đang tổ chức buổi thiết triều dưới những gốc táo. Ở đó người ta đã xếp các ghế gỗ thành một vòng tròn, và ông ngồi ở chiếc ghế lớn nhất, vài người đàn ông trẻ hơn ngồi xung quanh. ‘Ồ, xin chào!’ ông reo lên, đứng dậy một cách khó nhọc. Những người khác vội đứng dậy giúp ông một tay rồi chờ đợi chào hỏi chúng ta. ‘Chào mừng các bạn. Hãy gặp gỡ những bằng hữu khác của tôi.’ Bằng một cái vẫy tay yếu ớt, ông chỉ vào những gương mặt chung quanh. ‘Vài người là sinh viên cũ của tôi từ trước chiến tranh, họ thật tử tế khi trở về thăm tôi.’ Nhiều người trong số họ mặc sơ mi trắng và bộ vest tồi tàn tối màu, chỉ trẻ bằng cỡ Ranov; còn lại đa phần ít ra phải vào độ tuổi năm mươi. Họ mỉm cười và nồng nhiệt bắt tay chúng ta, một người còn cúi xuống hôn tay Helen, trang trọng theo đúng nghi thức xã giao. Cha thấy có cảm tình với những đôi mắt đen tuyền lanh lợi, những nụ cười điềm đạm lấp lánh răng vàng của bọn họ.
“Irina đến phía sau chúng ta; có vẻ như cô đang thúc giục mọi người trở lại ăn uống, vì một lát sau cha chợt nhận ra chúng ta đang theo dòng khách khứa tiến tới những chiếc bàn dưới giàn lưới mắt cáo. Ở đó chúng ta thấy cả một chiếc bàn dài đang trĩu xuống vì nặng, và nguồn gốc của mùi thơm ngào ngạt kia hóa ra là nguyên một con cừu đang nướng trên cái hố đào sát bên nhà. Trên bàn chất đầy những đĩa đất nung đựng khoai tây thái lát, cà chua, dưa chuột, mẩu pho mát trắng, những ổ bánh mì vàng rộm, và những đĩa bánh nướng phủ bột pho mát mà chúng ta đã từng được ăn tại Istanbul. Có thịt hầm, hàng tô sữa chua đông lạnh, cà và hành nướng vỉ. Irina chỉ chịu thôi khi đĩa ăn của chúng ta đã đầy ứ, nặng gần như không thể mang đi nổi, rồi cô cùng chúng ta trở lại vườn cây ăn quả nhỏ bé kia, không quên mang theo những ly rượu rakiya.
“Lúc này, những học trò cũ của Stoichev rõ ràng đang tranh nhau xem ai mang cho ông thầy nhiều thức ăn nhất, và giờ thì họ rót đầy ly của ông, rồi ông chậm chạp đứng dậy. Mọi người trong sân bảo nhau yên lặng, và rồi ông nâng ly chúc mừng cùng một bài diễn văn ngắn, trong đó cha thoáng nhận ra những cái tên như Kiril và Methodius, cũng như tên Helen và tên cha. Khi ông nói xong, tiếng hoan hô vang lên từ khắp mọi phía. ‘Stoichev! Za zdraveto na Profesor Stoichev! Nazdrave!’(1),_ Những tiếng hoan hô vang dội quanh chúng ta. Mặt ai cũng tươi hẳn lên, mỉm cười hướng về phía Stoichev và nâng cao ly rượu, vài người còn rơm rớm nước mắt. Cha lại nhớ đến thầy Rossi, thầy đã lắng nghe với thái độ khiêm nhường biết bao những lời hoan hô chúc tụng trong buổi lễ kỷ niệm năm thứ hai mươi thầy dạy tại trường đại học. Cha quay đi, cảm thấy cổ họng nghẹn lại. Cha để ý thấy Ranov đang loanh quanh dưới giàn lưới mắt cáo, tay cầm ly rượu.
“Khi mọi người đã ngồi trở lại, tiếp tục ăn uống chuyện trò, Helen và cha chợt nhận ra chúng ta đang ngồi ở vị trí dành cho khách danh dự, kế bên Stoichev. Ông mỉm cười và gật đầu với chúng ta. ‘Tôi rất vui vì hôm nay các bạn đã đến tham dự cùng chúng tôi. Các bạn biết đấy, đây là ngày lễ ưa thích của tôi. Theo lịch giáo hội, chúng tôi có rất nhiều ngày lễ thánh, nhưng đây là một ngày được tất cả những người đang dạy và học trân trọng, bởi vì đó là ngày chúng tôi tôn vinh di sản chữ viết và văn chương Xlavơ, cũng như việc dạy và học đã phát triển từ nhiều thế kỷ nay nhờ Kiril, Methodius và phát minh vĩ đại của họ. Hơn nữa, vào ngày này, tất cả sinh viên và đồng nghiệp thân yêu của tôi lại trở về đây để bứt ông giáo già này khỏi công việc. Tôi rất biết ơn họ vì sự quấy quả này.’ Ông nhìn quanh bằng ánh mắt trìu mến và vỗ lên vai người bạn đồng nghiệp gần nhất. Cha nhói lòng khi nhận thấy bàn tay ông yếu ớt biết bao, gầy guộc và gần như trong suốt.
“Sau một lúc, các sinh viên của Stoichev bắt đầu tản đi, hoặc đến bên chiếc bàn nơi chú cừu nướng vừa bị cắt lạng ra từng mảng, hay lang thang trong vườn từng nhóm hai hoặc ba người. Ngay khi họ vừa rời đi, Stoichev quay sang chúng ta với vẻ mặt khẩn trương. ‘Đi nào,’ ông nói. ‘Chúng ta hãy bàn luận khi còn có thể. Cô cháu gái tôi đã hứa sẽ giữ chân gã Ranov càng lâu càng tốt. Tôi có một vài điều cần nói với các bạn, và tôi hiểu các bạn cũng có nhiều điều muốn nói với tôi.’
“ ‘Chắc chắn rồi,’ cha kéo ghế lại gần ông hơn, Helen cũng làm y như vậy.
“ ‘Các bạn ạ, trước tiên,’ Stoichev nói, ‘tôi đã đọc kỹ lại lá thư mà các bạn để lại cho tôi hôm qua. Đây là bản sao lá thư của các bạn.’ Ông lấy lá thư từ trong túi áo ra. ‘Bây giờ tôi sẽ trao nó lại để các bạn giữ cho an toàn. Tôi đã đọc lá thư này nhiều lần và tin là nó được viết ra bởi chính bàn tay đã viết lá thư tôi có - Sư huynh Kiril, dù ông ấy có là ai thì cũng chính là người đã viết cả hai lá thư này. Dĩ nhiên tôi không có bản gốc lá thư của các bạn để nhìn qua một cái, nhưng nếu đây là một bản sao chính xác thì cả hai lá thư đều có cùng một cách viết, cả tên tuổi và ngày tháng rõ ràng cũng khớp với nhau nữa. Tôi nghĩ chúng ta có thể có đôi chút ngờ vực rằng những lá thư này gửi đi chung một lần, nhưng hoặc chúng được giao riêng rẽ, hoặc bị tách ra vì những nguyên cớ mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Hiện tại, tôi có một số ý tưởng khác, nhưng trước tiên các bạn phải cho tôi biết về nghiên cứu của các bạn đã. Tôi có cảm tưởng là các bạn đến Bungari không chỉ để tìm hiểu về các tu viện của chúng tôi. Các bạn đã tìm được lá thư này như thế nào?’
“Cha trả lời ông rằng chúng ta bắt đầu nghiên cứu này vì những lý do khó lòng mô tả, bởi dường như chúng chẳng hợp lý chút nào. ‘Ông nói ông đã đọc các tác phẩm của giáo sư Bartholomew Rossi, cha của Helen. Ông ấy vừa mới mất tích trong những tình huống vô cùng lạ lùng.’
“Nhanh chóng và rõ ràng, cha tóm tắt cho Stoichev nghe việc mình tìm thấy cuốn sách có hình rồng, việc thầy Rossi mất tích, nội dung các lá thư, bản sao những tấm bản đồ kỳ lạ mà chúng ta đang mang theo, và nghiên cứu của chúng ta ở Istanbul và Budapest, kể cả bài dân ca và bức tranh khắc gỗ có chữ Ivireanu chúng ta nhìn thấy ở thư viện Đại học Budapest. Cha chỉ không đề cập đến bí mật về vệ binh Trăng Lưỡi Liềm. Cha không dám lấy tài liệu trong cặp ra vì có quá nhiều người có thể nhìn thấy, nhưng cha mô tả cho ông ba tấm bản đồ và sự giống nhau của tấm bản đồ thứ ba với hình rồng trong cuốn sách. Stoichev lắng nghe, vẻ vô cùng quan tâm và kiên nhẫn, lông mày nhăn lại dưới mái tóc bạc trắng còn đôi mắt đen thì mở to. Ông chỉ cắt ngang một lần, nôn nóng yêu cầu mô tả chính xác hơn từng cuốn sách có hình rồng - của cha, của thầy Rossi, của Hugh James và của Turgut. Cha nhận thấy là do am hiểu về các loại bản thảo viết tay và công việc xuất bản thời xa xưa nên Stoichev tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các cuốn sách kia. ‘Tôi có mang theo cuốn sách của mình đây,’ cha nói thêm, đưa tay sờ chiếc cặp trong lòng.
“Ông giật mình, nhìn cha trừng trừng. ‘Tôi muốn xem cuốn sách đó khi có thể,’ ông nói. Nhưng dường như chi tiết thậm chí còn làm cho ông quan tâm nhiều hơn sau phát hiện của Selim và Turgut là: cha tu viện trưởng mà các lá thư của Sư huynh Kiril gửi đến đã từng cai quản tu viện ở hồ Snagov xứ Wallachia. ‘Snagov,’ ông thì thầm. Gương mặt già nua của Stoichev bỗng đỏ rực lên và trong một thoáng cha tự hỏi phải chăng ông sắp ngất. ‘Lẽ ra tôi phải biết chuyện này. Vậy mà tôi đã giữ lá thư đó trong thư viện của mình những ba mươi năm!’
“Cha hy vọng cũng sẽ có cơ hội hỏi ông đã tìm thấy lá thư ở đâu. ‘Ông thấy đấy, có bằng chứng khá rõ là các tu sĩ thuộc nhóm của Sư huynh Kiril đã đi từ vùng Wallachia đến Constantinople trước khi đến Bungari,’ cha góp ý.
“ ‘Đúng vậy,’ ông lắc đầu. ‘Tôi đã luôn cho rằng lá thư chỉ mô tả hành trình của các tu sĩ từ Constantinople hành hương đến Bungari. Tôi chưa bao giờ nhận ra… Maxim Eupraxius… tu viện trưởng ở Snagov…’ Trong một thoáng Stoichev có vẻ như bị một cơn trầm tư kiểm soát, nét tư lự vụt qua gương mặt già nua nhưng vẫn còn sinh động của ông, như một cơn bão chợt ập đến và làm cho mắt ông không ngừng nhấp nháy. ‘Và cái từ Ivireanu mà các bạn tìm thấy, và cả ông Hugh James, ở Budapest…’
“ ‘Ông biết nó có nghĩa gì chứ?’ cha nôn nóng hỏi.
“ ‘Biết chứ, biết chứ, con trai ạ.’ Có vẻ như Stoichev nhìn thấu ruột gan cha mà không cần phải nhìn mặt cha. ‘Đó là tên của Antim Ivireanu, một học giả và cũng là một chủ nhà in ở Snagov vào cuối thế kỷ mười bảy, rất lâu sau thời của Vlad Ţepeş. Tôi đã đọc tác phẩm của Ivireanu. Ông ta rất nổi tiếng trong giới học giả cùng thời và đã lôi cuốn nhiều vị khách danh tiếng đến thăm Snagov. Ông ta in các sách thánh bằng tiếng Rumani và tiếng Ả-rập, và rất có thể nhà in của ông là nhà in đầu tiên ở Rumani. Nhưng, lạy Chúa, có lẽ nó không phải là nhà in đầu tiên, nếu những cuốn sách có hình rồng lâu đời hơn. Tôi có rất nhiều thứ phải cho các bạn xem!’ Ông lại lắc đầu, mắt mở to. ‘Vào phòng tôi, nhanh lên.’
“Helen và cha liếc quanh. ‘Ranov đang bận rộn với Irina,’ cha nói nhỏ.
“ ‘Phải,’ Stoichev dứng lên. ‘Chúng ta sẽ vào nhà qua cửa hông. Nào, nhanh lên.’
“Chẳng cần phải hối thúc chúng ta. Chỉ riêng vẻ mặt của ông cũng đủ làm cha sẵn sàng theo ông trèo lên vách đá rồi. Ông bước lên cầu thang một cách khó nhọc, chúng ta chậm chạp theo sau. Ông ngồi xuống cạnh chiếc bàn lớn để nghỉ. Cha để ý thấy rải rác trên bàn là các cuốn sách và bản thảo mà ngày hôm qua không có ở đó. ‘Tôi chưa bao giờ có nhiều thông tin về lá thư đó, hay về các lá thư khác.’ Stoichev lên tiếng khi đã hết hổn hển.
“ ‘Các lá thư khác?’ Helen ngồi xuống bên cạnh ông.
“ ‘Phải. Còn có hai lá thư khác của Sư huynh Kiril - kể cả lá thư của tôi và lá ở Istanbul là bốn. Chúng ta phải đến tu viện Rila ngay tức khắc để xem hai lá thư đó. Đây là một phát hiện không thể tin được, để liên kết chúng với nhau. Nhưng đó không phải là thứ tôi phải cho các bạn xem. Trước kia tôi chưa bao giờ nhận ra chúng có liên quan với nhau...’ Lại một lần nữa, ông có vẻ như quá choáng váng đến độ không thể nói gì nhiều.
“Một lát sau, ông vào một căn phòng nhỏ bên cạnh và mang ra một cuốn sách bìa giấy, hóa ra là một tập san cũ, chuyên đề về học thuật, in ở Đức. ‘Tôi có một người bạn...’ ông dừng lại. ‘Ước gì ông ấy còn sống để thấy ngày hôm nay! Như tôi đã nói với các bạn, tên ông ấy là Atanas Angelov, vâng, ông ấy là một sử gia Bungari và là một trong những người thầy đầu tiên của tôi. Năm 1923, ông nghiên cứu tại thư viện ở Rila, đó là một trong những kho báu tư liệu thời Trung cổ tuyệt vời của chúng tôi. Ông tìm thấy ở đó một bản thảo viết tay từ thế kỷ mười lăm - nó được giấu trong bìa gỗ của một cuốn sách khổ lớn thế kỷ mười tám. Ông muốn công bố bản thảo này - đó là biên niên ký về một cuộc hành trình từ Wallachia đến Bungari. Ông qua đời trong khi đang ghi chép về hành trình đó, vì vậy tôi đã hoàn thành các ghi chép và xuất bản cuốn biên niên ký. Bản thảo đó vẫn còn nằm ở Rila... và tôi chưa bao giờ biết rằng...’ Ông vỗ mạnh bàn tay yếu ớt lên trán. ‘Đây này, nhanh lên. Nó được xuất bản bằng tiếng Bungari, nhưng chúng ta sẽ xem qua và tôi sẽ nói cho các bạn những điểm quan trọng nhất.’
“Stoichev mở cuốn tập san cũ kỹ bằng bàn tay run run, và giọng ông cũng run run khi trích dẫn cho chúng ta nghe những điểm đại cương trong phát hiện của Angelov. Bài báo ông viết từ những ghi chép của Angelov, và bản thân tài liệu đó, đến nay đã được xuất bản bằng tiếng Anh với nhiều cập nhật và vô số chú giải. Nhưng thậm chí đến tận bây giờ, khi nhìn bản dịch đã được công bố đó, cha vẫn không thể nào không thấy gương mặt già nua của Stoichev hiện lên, mái tóc lưa thưa trên đôi tai vểnh, đôi mắt to cúi xuống trang giấy với vẻ tập trung mãnh liệt, và hơn tất thảy là giọng nói đầy lưỡng lự của ông.”
Chú thích:
1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "Thầy Stoichev! Hoan hô giáo sư Stoichev! Hoan hô!"
“Trong sân, chúng ta nhìn thấy đàn ông và một ít phụ nữ tụ tập thành từng nhóm dưới giàn lưới mắt cáo. Irina đi tới đi lui phía sau bàn, chất đầy thức ăn vào đĩa mọi người hoặc rót đầy ly thứ rượu mạnh màu hổ phách kia. Khi nhìn thấy chúng ta, cô vội vàng lao đến, dang rộng đôi tay, tựa như chúng ta là bạn bè đã thân quen. Cô bắt tay cha và Ranov rồi hôn lên hai má Helen. ‘Tôi rất vui vì các bạn đã đến. Cám ơn các bạn,’ cô thốt lên. ‘Từ lúc các bạn đến đây vào ngày hôm qua, cậu tôi không ngủ được chút nào và cũng chẳng ăn uống gì. Tôi hy vọng các bạn khuyên được ông ấy ăn chút gì đó.’ Gương mặt xinh đẹp của cô gái cau lại.
“ ‘Cô đừng lo,’ Helen trả lời. ‘Chúng tôi sẽ cố hết sức thuyết phục ông ấy.’
“Chúng ta thấy Stoichev trông như thể đang tổ chức buổi thiết triều dưới những gốc táo. Ở đó người ta đã xếp các ghế gỗ thành một vòng tròn, và ông ngồi ở chiếc ghế lớn nhất, vài người đàn ông trẻ hơn ngồi xung quanh. ‘Ồ, xin chào!’ ông reo lên, đứng dậy một cách khó nhọc. Những người khác vội đứng dậy giúp ông một tay rồi chờ đợi chào hỏi chúng ta. ‘Chào mừng các bạn. Hãy gặp gỡ những bằng hữu khác của tôi.’ Bằng một cái vẫy tay yếu ớt, ông chỉ vào những gương mặt chung quanh. ‘Vài người là sinh viên cũ của tôi từ trước chiến tranh, họ thật tử tế khi trở về thăm tôi.’ Nhiều người trong số họ mặc sơ mi trắng và bộ vest tồi tàn tối màu, chỉ trẻ bằng cỡ Ranov; còn lại đa phần ít ra phải vào độ tuổi năm mươi. Họ mỉm cười và nồng nhiệt bắt tay chúng ta, một người còn cúi xuống hôn tay Helen, trang trọng theo đúng nghi thức xã giao. Cha thấy có cảm tình với những đôi mắt đen tuyền lanh lợi, những nụ cười điềm đạm lấp lánh răng vàng của bọn họ.
“Irina đến phía sau chúng ta; có vẻ như cô đang thúc giục mọi người trở lại ăn uống, vì một lát sau cha chợt nhận ra chúng ta đang theo dòng khách khứa tiến tới những chiếc bàn dưới giàn lưới mắt cáo. Ở đó chúng ta thấy cả một chiếc bàn dài đang trĩu xuống vì nặng, và nguồn gốc của mùi thơm ngào ngạt kia hóa ra là nguyên một con cừu đang nướng trên cái hố đào sát bên nhà. Trên bàn chất đầy những đĩa đất nung đựng khoai tây thái lát, cà chua, dưa chuột, mẩu pho mát trắng, những ổ bánh mì vàng rộm, và những đĩa bánh nướng phủ bột pho mát mà chúng ta đã từng được ăn tại Istanbul. Có thịt hầm, hàng tô sữa chua đông lạnh, cà và hành nướng vỉ. Irina chỉ chịu thôi khi đĩa ăn của chúng ta đã đầy ứ, nặng gần như không thể mang đi nổi, rồi cô cùng chúng ta trở lại vườn cây ăn quả nhỏ bé kia, không quên mang theo những ly rượu rakiya.
“Lúc này, những học trò cũ của Stoichev rõ ràng đang tranh nhau xem ai mang cho ông thầy nhiều thức ăn nhất, và giờ thì họ rót đầy ly của ông, rồi ông chậm chạp đứng dậy. Mọi người trong sân bảo nhau yên lặng, và rồi ông nâng ly chúc mừng cùng một bài diễn văn ngắn, trong đó cha thoáng nhận ra những cái tên như Kiril và Methodius, cũng như tên Helen và tên cha. Khi ông nói xong, tiếng hoan hô vang lên từ khắp mọi phía. ‘Stoichev! Za zdraveto na Profesor Stoichev! Nazdrave!’(1),_ Những tiếng hoan hô vang dội quanh chúng ta. Mặt ai cũng tươi hẳn lên, mỉm cười hướng về phía Stoichev và nâng cao ly rượu, vài người còn rơm rớm nước mắt. Cha lại nhớ đến thầy Rossi, thầy đã lắng nghe với thái độ khiêm nhường biết bao những lời hoan hô chúc tụng trong buổi lễ kỷ niệm năm thứ hai mươi thầy dạy tại trường đại học. Cha quay đi, cảm thấy cổ họng nghẹn lại. Cha để ý thấy Ranov đang loanh quanh dưới giàn lưới mắt cáo, tay cầm ly rượu.
“Khi mọi người đã ngồi trở lại, tiếp tục ăn uống chuyện trò, Helen và cha chợt nhận ra chúng ta đang ngồi ở vị trí dành cho khách danh dự, kế bên Stoichev. Ông mỉm cười và gật đầu với chúng ta. ‘Tôi rất vui vì hôm nay các bạn đã đến tham dự cùng chúng tôi. Các bạn biết đấy, đây là ngày lễ ưa thích của tôi. Theo lịch giáo hội, chúng tôi có rất nhiều ngày lễ thánh, nhưng đây là một ngày được tất cả những người đang dạy và học trân trọng, bởi vì đó là ngày chúng tôi tôn vinh di sản chữ viết và văn chương Xlavơ, cũng như việc dạy và học đã phát triển từ nhiều thế kỷ nay nhờ Kiril, Methodius và phát minh vĩ đại của họ. Hơn nữa, vào ngày này, tất cả sinh viên và đồng nghiệp thân yêu của tôi lại trở về đây để bứt ông giáo già này khỏi công việc. Tôi rất biết ơn họ vì sự quấy quả này.’ Ông nhìn quanh bằng ánh mắt trìu mến và vỗ lên vai người bạn đồng nghiệp gần nhất. Cha nhói lòng khi nhận thấy bàn tay ông yếu ớt biết bao, gầy guộc và gần như trong suốt.
“Sau một lúc, các sinh viên của Stoichev bắt đầu tản đi, hoặc đến bên chiếc bàn nơi chú cừu nướng vừa bị cắt lạng ra từng mảng, hay lang thang trong vườn từng nhóm hai hoặc ba người. Ngay khi họ vừa rời đi, Stoichev quay sang chúng ta với vẻ mặt khẩn trương. ‘Đi nào,’ ông nói. ‘Chúng ta hãy bàn luận khi còn có thể. Cô cháu gái tôi đã hứa sẽ giữ chân gã Ranov càng lâu càng tốt. Tôi có một vài điều cần nói với các bạn, và tôi hiểu các bạn cũng có nhiều điều muốn nói với tôi.’
“ ‘Chắc chắn rồi,’ cha kéo ghế lại gần ông hơn, Helen cũng làm y như vậy.
“ ‘Các bạn ạ, trước tiên,’ Stoichev nói, ‘tôi đã đọc kỹ lại lá thư mà các bạn để lại cho tôi hôm qua. Đây là bản sao lá thư của các bạn.’ Ông lấy lá thư từ trong túi áo ra. ‘Bây giờ tôi sẽ trao nó lại để các bạn giữ cho an toàn. Tôi đã đọc lá thư này nhiều lần và tin là nó được viết ra bởi chính bàn tay đã viết lá thư tôi có - Sư huynh Kiril, dù ông ấy có là ai thì cũng chính là người đã viết cả hai lá thư này. Dĩ nhiên tôi không có bản gốc lá thư của các bạn để nhìn qua một cái, nhưng nếu đây là một bản sao chính xác thì cả hai lá thư đều có cùng một cách viết, cả tên tuổi và ngày tháng rõ ràng cũng khớp với nhau nữa. Tôi nghĩ chúng ta có thể có đôi chút ngờ vực rằng những lá thư này gửi đi chung một lần, nhưng hoặc chúng được giao riêng rẽ, hoặc bị tách ra vì những nguyên cớ mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Hiện tại, tôi có một số ý tưởng khác, nhưng trước tiên các bạn phải cho tôi biết về nghiên cứu của các bạn đã. Tôi có cảm tưởng là các bạn đến Bungari không chỉ để tìm hiểu về các tu viện của chúng tôi. Các bạn đã tìm được lá thư này như thế nào?’
“Cha trả lời ông rằng chúng ta bắt đầu nghiên cứu này vì những lý do khó lòng mô tả, bởi dường như chúng chẳng hợp lý chút nào. ‘Ông nói ông đã đọc các tác phẩm của giáo sư Bartholomew Rossi, cha của Helen. Ông ấy vừa mới mất tích trong những tình huống vô cùng lạ lùng.’
“Nhanh chóng và rõ ràng, cha tóm tắt cho Stoichev nghe việc mình tìm thấy cuốn sách có hình rồng, việc thầy Rossi mất tích, nội dung các lá thư, bản sao những tấm bản đồ kỳ lạ mà chúng ta đang mang theo, và nghiên cứu của chúng ta ở Istanbul và Budapest, kể cả bài dân ca và bức tranh khắc gỗ có chữ Ivireanu chúng ta nhìn thấy ở thư viện Đại học Budapest. Cha chỉ không đề cập đến bí mật về vệ binh Trăng Lưỡi Liềm. Cha không dám lấy tài liệu trong cặp ra vì có quá nhiều người có thể nhìn thấy, nhưng cha mô tả cho ông ba tấm bản đồ và sự giống nhau của tấm bản đồ thứ ba với hình rồng trong cuốn sách. Stoichev lắng nghe, vẻ vô cùng quan tâm và kiên nhẫn, lông mày nhăn lại dưới mái tóc bạc trắng còn đôi mắt đen thì mở to. Ông chỉ cắt ngang một lần, nôn nóng yêu cầu mô tả chính xác hơn từng cuốn sách có hình rồng - của cha, của thầy Rossi, của Hugh James và của Turgut. Cha nhận thấy là do am hiểu về các loại bản thảo viết tay và công việc xuất bản thời xa xưa nên Stoichev tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các cuốn sách kia. ‘Tôi có mang theo cuốn sách của mình đây,’ cha nói thêm, đưa tay sờ chiếc cặp trong lòng.
“Ông giật mình, nhìn cha trừng trừng. ‘Tôi muốn xem cuốn sách đó khi có thể,’ ông nói. Nhưng dường như chi tiết thậm chí còn làm cho ông quan tâm nhiều hơn sau phát hiện của Selim và Turgut là: cha tu viện trưởng mà các lá thư của Sư huynh Kiril gửi đến đã từng cai quản tu viện ở hồ Snagov xứ Wallachia. ‘Snagov,’ ông thì thầm. Gương mặt già nua của Stoichev bỗng đỏ rực lên và trong một thoáng cha tự hỏi phải chăng ông sắp ngất. ‘Lẽ ra tôi phải biết chuyện này. Vậy mà tôi đã giữ lá thư đó trong thư viện của mình những ba mươi năm!’
“Cha hy vọng cũng sẽ có cơ hội hỏi ông đã tìm thấy lá thư ở đâu. ‘Ông thấy đấy, có bằng chứng khá rõ là các tu sĩ thuộc nhóm của Sư huynh Kiril đã đi từ vùng Wallachia đến Constantinople trước khi đến Bungari,’ cha góp ý.
“ ‘Đúng vậy,’ ông lắc đầu. ‘Tôi đã luôn cho rằng lá thư chỉ mô tả hành trình của các tu sĩ từ Constantinople hành hương đến Bungari. Tôi chưa bao giờ nhận ra… Maxim Eupraxius… tu viện trưởng ở Snagov…’ Trong một thoáng Stoichev có vẻ như bị một cơn trầm tư kiểm soát, nét tư lự vụt qua gương mặt già nua nhưng vẫn còn sinh động của ông, như một cơn bão chợt ập đến và làm cho mắt ông không ngừng nhấp nháy. ‘Và cái từ Ivireanu mà các bạn tìm thấy, và cả ông Hugh James, ở Budapest…’
“ ‘Ông biết nó có nghĩa gì chứ?’ cha nôn nóng hỏi.
“ ‘Biết chứ, biết chứ, con trai ạ.’ Có vẻ như Stoichev nhìn thấu ruột gan cha mà không cần phải nhìn mặt cha. ‘Đó là tên của Antim Ivireanu, một học giả và cũng là một chủ nhà in ở Snagov vào cuối thế kỷ mười bảy, rất lâu sau thời của Vlad Ţepeş. Tôi đã đọc tác phẩm của Ivireanu. Ông ta rất nổi tiếng trong giới học giả cùng thời và đã lôi cuốn nhiều vị khách danh tiếng đến thăm Snagov. Ông ta in các sách thánh bằng tiếng Rumani và tiếng Ả-rập, và rất có thể nhà in của ông là nhà in đầu tiên ở Rumani. Nhưng, lạy Chúa, có lẽ nó không phải là nhà in đầu tiên, nếu những cuốn sách có hình rồng lâu đời hơn. Tôi có rất nhiều thứ phải cho các bạn xem!’ Ông lại lắc đầu, mắt mở to. ‘Vào phòng tôi, nhanh lên.’
“Helen và cha liếc quanh. ‘Ranov đang bận rộn với Irina,’ cha nói nhỏ.
“ ‘Phải,’ Stoichev dứng lên. ‘Chúng ta sẽ vào nhà qua cửa hông. Nào, nhanh lên.’
“Chẳng cần phải hối thúc chúng ta. Chỉ riêng vẻ mặt của ông cũng đủ làm cha sẵn sàng theo ông trèo lên vách đá rồi. Ông bước lên cầu thang một cách khó nhọc, chúng ta chậm chạp theo sau. Ông ngồi xuống cạnh chiếc bàn lớn để nghỉ. Cha để ý thấy rải rác trên bàn là các cuốn sách và bản thảo mà ngày hôm qua không có ở đó. ‘Tôi chưa bao giờ có nhiều thông tin về lá thư đó, hay về các lá thư khác.’ Stoichev lên tiếng khi đã hết hổn hển.
“ ‘Các lá thư khác?’ Helen ngồi xuống bên cạnh ông.
“ ‘Phải. Còn có hai lá thư khác của Sư huynh Kiril - kể cả lá thư của tôi và lá ở Istanbul là bốn. Chúng ta phải đến tu viện Rila ngay tức khắc để xem hai lá thư đó. Đây là một phát hiện không thể tin được, để liên kết chúng với nhau. Nhưng đó không phải là thứ tôi phải cho các bạn xem. Trước kia tôi chưa bao giờ nhận ra chúng có liên quan với nhau...’ Lại một lần nữa, ông có vẻ như quá choáng váng đến độ không thể nói gì nhiều.
“Một lát sau, ông vào một căn phòng nhỏ bên cạnh và mang ra một cuốn sách bìa giấy, hóa ra là một tập san cũ, chuyên đề về học thuật, in ở Đức. ‘Tôi có một người bạn...’ ông dừng lại. ‘Ước gì ông ấy còn sống để thấy ngày hôm nay! Như tôi đã nói với các bạn, tên ông ấy là Atanas Angelov, vâng, ông ấy là một sử gia Bungari và là một trong những người thầy đầu tiên của tôi. Năm 1923, ông nghiên cứu tại thư viện ở Rila, đó là một trong những kho báu tư liệu thời Trung cổ tuyệt vời của chúng tôi. Ông tìm thấy ở đó một bản thảo viết tay từ thế kỷ mười lăm - nó được giấu trong bìa gỗ của một cuốn sách khổ lớn thế kỷ mười tám. Ông muốn công bố bản thảo này - đó là biên niên ký về một cuộc hành trình từ Wallachia đến Bungari. Ông qua đời trong khi đang ghi chép về hành trình đó, vì vậy tôi đã hoàn thành các ghi chép và xuất bản cuốn biên niên ký. Bản thảo đó vẫn còn nằm ở Rila... và tôi chưa bao giờ biết rằng...’ Ông vỗ mạnh bàn tay yếu ớt lên trán. ‘Đây này, nhanh lên. Nó được xuất bản bằng tiếng Bungari, nhưng chúng ta sẽ xem qua và tôi sẽ nói cho các bạn những điểm quan trọng nhất.’
“Stoichev mở cuốn tập san cũ kỹ bằng bàn tay run run, và giọng ông cũng run run khi trích dẫn cho chúng ta nghe những điểm đại cương trong phát hiện của Angelov. Bài báo ông viết từ những ghi chép của Angelov, và bản thân tài liệu đó, đến nay đã được xuất bản bằng tiếng Anh với nhiều cập nhật và vô số chú giải. Nhưng thậm chí đến tận bây giờ, khi nhìn bản dịch đã được công bố đó, cha vẫn không thể nào không thấy gương mặt già nua của Stoichev hiện lên, mái tóc lưa thưa trên đôi tai vểnh, đôi mắt to cúi xuống trang giấy với vẻ tập trung mãnh liệt, và hơn tất thảy là giọng nói đầy lưỡng lự của ông.”
Chú thích:
1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "Thầy Stoichev! Hoan hô giáo sư Stoichev! Hoan hô!"