Chương : 18
TÔI SẼ BỊ GỌI LÀ KẺ SÁT NHÂN
Họ ném đất bùn lạnh lẽo lên cái xác méo mó biến dạng của Zarif Kính mến bạc mệnh và tôi khóc nhiều hơn bất kỳ ai. Tôi gào to, "Tôi muốn chết cùng anh ấy!" và "Hãy cho tôi nằm chung mộ với anh ấy!" Và họ ôm eo tôi lại để tôi đừng nhào xuống. Tôi thở gấp, và họ ấn bàn tay lên trán tôi, kéo đầu tôi ngửa ra sau để tôi có thể thở. Qua cái nhìn của họ hàng người chết, tôi cảm thấy có lẽ tôi đã quá cường điệu tiếng nức nở kêu gào; tôi liền bình tâm lại. Dựa vào nỗi buồn quá mức của tôi, những kẻ nhiều chuyện trong xưởng có thể cho rằng Zarif Kính mến với tôi yêu nhau.
Tôi nấp đằng sau một cây tiêu huyền cho đến khi đám tang kết thúc để tránh lôi kéo thêm sự chú ý về phía anh. Một người bà con của tên ngốc mà tôi đã tống xuống Địa ngục - một kẻ thậm chí còn đần độn hơn người chết - phát hiện tôi đằng sau gốc cây và nhìn sâu vào mắt tôi với cái nhìn mà hắn cho là đầy ý nghĩa. Hắn ôm tôi một lát, rồi tên ngốc này nói: "Anh là "Thứ bảy" hay "Thứ tư"?"
" "Thứ tư" có một thời là nghệ danh của người quá cố này," tôi nói. Hắn im lặng.
Câu chuyện đằng sau những nghệ danh này, vốn ràng buộc chúng tôi lại với nhau giống như một thỏa ước mật, thật đơn giản: Hồi chúng tôi còn học việc, khi nhà tiểu họa Osman vừa từ phụ tá thợ cả tiến lên thành thợ cả, tất cả chúng tôi có chung lòng kính trọng, ngưỡng mộ và yêu thương sâu sắc đối với thầy. Ông là một đại nghệ sĩ và ông đã dạy chúng tôi mọi thứ, vì Thượng đế đã ban cho ông một năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời và trí thông minh của một âm hồn. Mỗi sáng, theo yêu cầu đối với các thợ học việc, một đứa trong bọn chúng tôi sẽ đến nhà thầy, rồi kính cẩn theo sau thầy trên con đường đến xưởng, ôm bút và hộp đựng cọ của thầy, túi và cặp đựng đầy giấy của thầy. Chúng tôi rất thích được gần ông đến độ chúng tôi thường tranh cãi và đánh nhau để quyết định xem đứa nào sẽ được đi vào ngày nào đó.
Thầy Osman có một đứa học trò cưng. Nhưng nếu nó lúc nào cũng được đi, điều đó sẽ thổi bùng ngọn lửa ngồi lê đôi mách bất tận và những chuyện đùa vô vị mà chắc chắn rồi sẽ đầy trong xưởng. Vì thế vị thầy vĩ đại này đã quyết định rằng mỗi đứa chúng tôi sẽ được giao cho một ngày nhất định trong tuần. Vị thầy vĩ đại này làm việc vào thứ sáu và ở nhà vào thứ bảy. Con trai ông, người ông rất yêu - kẻ sau này phản bội ông và chúng tôi bằng cách từ bỏ nghề này - sẽ tháp tùng cha vào các ngày thứ hai như những thợ học việc bình thường. Cũng có một người anh em cao gầy của chúng tôi được gọi là "Thứ năm", một nhà tiểu họa tài năng hơn tất cả chúng tôi, song đã chết khi còn trẻ vì chứng sốt của một căn bệnh lạ. Zarif Kính mến, cầu Chúa phù hộ anh ta, sẽ đi vào ngày thứ tư, vì thế được gọi là "Thứ tư". Về sau vị thầy vĩ đại của chúng tôi đổi tên chúng tôi một cách đầy yêu thương và ý nghĩa từ thứ hai thành "Zeytin" ("ôliu"), từ thứ sáu thành "Leylek" ("Cò") và từ "Chủ nhật" thành "Kelebek" ("Bướm"), còn người chết hôm nay thì thầy đặt lại tên là "Zarif" ("Tao nhã"), ý muốn ám chỉ vẻ trau chuốt trong cách mạ vàng của anh ta. Vị thầy vĩ đại này hẳn đã nói, "Chào "Thứ tư" sáng nay con khỏe không?" với Zarif quá cố như thầy vẫn thường chào tất cả chúng tôi hồi đó. Khi tôi nhắc lại cách thầy thường chào hỏi tôi, tôi nghĩ mắt tôi hẳn đã đầy lệ: Thầy Osman khâm phục chúng tôi, và thầy có thể ứa nước mắt khi nhìn vẻ đẹp trong tác phẩm của chúng tôi; thầy sẽ hôn bàn tay và cánh tay chúng tôi, và bất chấp những trận đòn, chúng tôi cảm thấy như mình đang ở Thiên đàng khi còn là những thợ học việc; và vì thế tài năng của chúng tôi bừng nở cùng tình yêu của thầy. Thậm chí thói ghen tỵ, vốn phủ bóng lên những năm tháng hạnh phúc đó, hồi ấy cũng có một sắc thái khác.
Bây giờ tôi hoàn toàn bị chia cắt, giống như những nhân vật mà đầu và tay họ được thợ cả này vẽ và tô màu trong khi thân thể và quần áo của họ do một thợ khác vẽ. Khi một kẻ kính sợ Thượng đế như tôi bất ngờ trở thành kẻ sát nhân, nó cần có một thời gian để thích nghi. Tôi đã sử dụng giọng thứ hai, giọng thích hợp với một kẻ sát nhân, để tôi vẫn có thể sinh hoạt như thể cuộc sống cũ của tôi vẫn tiếp diễn. Hiện giờ tôi đang nói bằng giọng thứ hai chế giễu và xảo quyệt, cái giọng tôi giữ nằm ngoài cuộc sống thường lệ của tôi. Thỉnh thoảng, dĩ nhiên, các vị sẽ nghe giọng nói thường lệ, quen thuộc của tôi, giọng nói đó vẫn sẽ là giọng duy nhất của tôi nếu tôi không trở thành kẻ sát nhân.
Nhưng khi tôi nói với nghệ danh của mình, tôi sẽ không bao giờ nhận mình là mẻ sát nhân." Đừng ai kết hợp hai giọng này lại với nhau, tôi không có phong cách riêng hay những khuyết điểm trong nghệ thuật để làm lộ thân phận giấu kín của mình đâu. Thực tế tôi tin rằng phong cách, hay đại loại như thế, bất cứ thứ gì giúp phân biệt họa sĩ này với họa sĩ khác, là một khuyết điểm không phải là cá tính, như một số người từng tuyên bố một cách ngạo mạn.
Tôi thừa nhận rằng trong tình huống của mình, điều này đặt ra một vấn đề. Bởi dù tôi có thể nói thông qua cái nghệ danh mà Thầy Osman đã ưu ái đặt cho tôi và được Enishte Kính mến sử dụng, bởi ông cũng ngưỡng mộ nó, nhưng thật không khôn ngoan nếu tôi muốn các vị đoán xem tôi là Kelebek, Zeytin hay Leylek. Vì nếu các vị làm thế các vị sẽ không do dự giao tôi cho những kẻ tra tấn của viên Chỉ huy đội cận vệ hoàng gia của Đức vua.
Và, tôi phải quan tâm đến những gì tôi nghĩ và nói. Thực tình tôi biết rằng các vị đang lắng nghe tôi ngay cả khi tôi đang suy ngẫm về những vấn đề riêng tư. Tôi không thể cho phép ai suy đoán cẩu thả từ những nỗi bất mãn của tôi hoặc những chi tiết của cuộc đời tôi mà qua đó các vị có thể kết tội tôi. Cả khi kể lại những chuyện "Alif", "Ba", và "Djim" tôi luôn chú ý đến cái nhìn của các vị.
Một bên gồm những chiến binh, những tình nhân, những ông hoàng, những anh hùng truyền thuyết mà tôi đã hàng chục ngàn lần minh họa đối mặt với bất cứ thứ gì được vẽ ở đó, trong thời điểm thần thoại đó - chẳng hạn, những kẻ thù họ đang giao chiến, những con rồng họ đang giết, hoặc những thiếu nữ xinh đẹp mà họ đang nhỏ nước mắt khóc thương. Nhưng một khía cạnh khác, và mặt bên kia của thân thể họ, lại đối mặt với người yêu sách vở, kẻ tình cờ nhìn vào bức tranh tráng lệ này. Nếu tôi có phong cách và tính cách, nó không chỉ ẩn trong tác phẩm nghệ thuật của tôi mà cả trong tội ác và lời nói của tôi nữa! Vâng, hãy cố khám phá xem tôi là ai qua màu sắc và lời nói của tôi!
Tôi cũng biết rằng nếu các vị tóm được tôi, nó sẽ là nguồn an ủi cho linh hồn khốn khổ của Zarif Kính mến bất hạnh. Họ đang xúc đất trút lên anh ta trong khi tôi đứng đây dưới hàng cây, giữa bầy chim véo von, nhìn dòng nước lấp lánh vàng của sông Halic và những mái vòm xám xịt của Istanbul, và một lần nữa nhận ra diệu kỳ biết bao khi còn được sống. Zarif Kính mến đáng tội ngay sau khi anh ta gia nhập hàng ngũ của tay thuyết giáo hung hăng xứ Erzurum, anh ta hoàn toàn không còn thích tôi; nhưng trong hai mươi lăm năm cùng minh họa những cuốn sách cho Đức vua, có nhiều lúc chúng tôi thấy rất gần gũi nhau. Cách nay hai mươi năm, chúng tôi trở thành bạn bè trong khi đang làm một cuốn lịch sử hoàng gia bằng thơ cho phụ hoàng quá cố của Đức vua hiện nay. Nhưng khi làm tám bản minh họa đi kèm một tập thơ của Fuzuli chúng tôi lại càng thân thiết hơn bao giờ hết.
Hồi đó, một tối mùa hè, như một nhượng bộ cho những ước muốn phi lý nhưng dễ hiểu của anh ta - rõ ràng là một nhà tiểu họa phải cảm nhận được trong hồn mình bài văn mà anh ta đang minh họa - tôi đã đến đây kiên nhẫn lắng nghe anh ta đọc to một cách huê dạng những câu thơ trong tập tác phẩm của Fuzuli trong khi những bầy chim én hoảng hốt vỗ cánh trên đầu chúng tôi. Tôi vẫn nhớ một câu được đọc đêm đó: "Ta không phải là ta mà muôn thuở là ngươi." Tôi luôn tự hỏi làm sao người ta minh họa được cho câu này.
Tôi chạy tới nhà anh ta ngay khi nghe tin người ta tìm được xác anh ta. Ở đó, khu vườn nhỏ xíu nơi chúng tôi từng ngồi và đọc thơ, bây giờ phủ đầy tuyết, có vẻ nhỏ hơn, giống như bất cứ khu vườn nào khi ta thăm lại sau nhiều năm. Ngôi nhà của anh ta vẫn vậy. Từ phòng kế bên tôi nghe tiếng gào khóc của phụ nữ, và những lời than vãn cường điệu của họ, càng lúc càng dâng cao như thể họ đang ganh đua với nhau. Khi người anh cả của anh ta nói, tôi chú ý lắng nghe: Khuôn mặt của người anh em Zarif bất hạnh của chúng tôi hầu như đã bị hủy hoại, đầu anh ta bị đập nát.
Sau khi anh ta được đưa khỏi đáy giếng nơi anh ta nằm suốt bốn ngày, anh em của anh ta không nhận ra được anh ta, và người vợ tội nghiệp của anh ta, Kalbiye, mà họ đưa từ nhà đến, đành phải qua quần áo rách nát tả tơi mới nhận diện được cái thi thể không thể nhìn ra này trong đêm tối. Tôi nhớ lại một bức tranh vẽ các thương nhân Midian kéo Yusuf khỏi cái hố mà những anh em đố kị của anh ta đã ném anh ta xuống. Tôi rất thích vẽ cảnh này trong truyện Yusuf o Zuleyha 1, vì nó nhắc chúng tôi nhớ rằng lòng đố kị là cảm xúc chủ yếu trong cuộc sống.
Có một khoảng im lặng bất ngờ. Tôi có cảm giác mọi con mắt đều đổ dồn về tôi. Tôi nên khóc không? Tôi bắt gặp đôi mắt Siyah. Tên vô lại đáng tởm đó, hắn đang nhìn chúng tôi, giống như một kẻ được Enishte Kính mến phái đến đây để tìm ra sự thật.
"Ai có thể phạm một tội ác khủng khiếp như thế?" người anh cả kêu lên. "Loại súc vật nhẫn tâm nào có thể sát hại người anh em chúng ta, kẻ không dám làm hại một con kiến?" Anh ta trả lời câu hỏi này bằng những giọt nước mắt, và tôi khóc theo anh ta, giả vờ sầu khổ trong khi cố tìm câu trả lời cho riêng tôi: Những kẻ thù của Zarif là ai? Nếu đó không phải là tôi, thì ai khác có thể giết anh ta? Tôi nhớ lại rằng cách nay ít lâu - tôi tin đó là khi cuốn Huner-nama 2 đang được chuẩn bị - anh ta tham gia tranh cãi với những họa sĩ nào đó có ý muốn bác bỏ kỹ thuật của các bậc thầy xưa và tiêu hủy những trang mà các nhà tiểu họa chúng tôi đã lao động cật lực trên đó; vì vậy họ sẽ làm hỏng các đường viền bằng những màu sắc kinh khủng được dùng để tô điểm cho rẻ hơn và nhanh hơn. Họ là ai? Tuy nhiên sau này những lời đồn đại bắt đầu lan truyền rằng sự thù địch dấy lên không phải vì lý do này, mà vì sự ganh đua muốn giành cảm tình của một thợ học việc đóng sách đẹp trai làm việc ở tầng trệt; nhưng đấy là chuyện cũ. Và có những người bực tức trước phẩm cách của Zarif, sự khéo léo của anh ta, thái độ nữ tính đầy hiểu biết của anh ta, nhưng điều này có liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác: Zarif bị trói buộc một cách mù quáng vào phong cách cũ, một kẻ cuồng tín về sự phối hợp màu sắc giữa mạ vàng và minh họa, và trước mặt Thầy Osman, anh ta có thể chỉ ra chẳng hạn những lỗi lầm không hề có của những nhà tiểu họa khác - đặc biệt là của tôi - với vẻ hóm hỉnh dịu dàng. Cuộc cãi cọ cuối cùng của anh ta có liên quan đến một vấn đề mà nhiều năm trước đây đã trở nên rất nhạy cảm đối với Thầy Osman: giới tiểu họa hoàng gia, những người làm thêm ngoài giờ, đã bí mật nhận làm thêm những việc tầm thường bên ngoài cung điện. Trong những năm gần đây, khi mối quan tâm của Đức vua bắt đầu nhạt dần và, cùng với nó, tiền bạc do Trưởng Ngân khố chi ra cũng ít đi, các nhà tiểu họa bắt đầu đến thăm những ngôi nhà hai tầng của các tổng trấn trẻ ngu ngốc - và những họa sĩ tài giỏi nhất nửa đêm thì đến thăm Enishte.
Tôi hoàn toàn không chút lo lắng trước quyết định của Enishte không làm tiếp cuốn sách của ông - hoặc của chúng tôi - hay lý do rằng nó mang điềm xấu theo ông nói. Dĩ nhiên, ông đã đoán rằng tên sát nhân đã hạ thủ Zarif Kính mến ngu xuẩn là một người trong nhóm chúng tôi, những kẻ đang trang trí cuốn sách của ông. Hãy đặt các vị vào trường hợp ông ta: Các vị có mời một tên sát nhân đến nhà các vị nửa tháng một lần để trang trí sách vào ban đêm không? Trước tiên các vị không xác định được lai lịch tên giết người và tay minh họa giỏi nhất sao? Tôi tin chắc chắn rằng ông ta sẽ nhanh chóng suy ra ai trong số những nhà tiểu họa là người tài năng nhất và có khả năng nhất trong việc chọn màu, mạ vàng, quyết định trang, minh họa, vẽ mặt và bố cục trang, và sau khi làm thế, ông ta sẽ tiếp tục làm việc với tôi một mình. Tôi không thể hình dung ông ta sẽ nhỏ nhen đến mức nghĩ về tôi như một kẻ sát nhân tầm thường thay vì một nhà tiểu họa tài năng đích thực.
Qua khóe mắt tôi quan sát tên Siyah Kính mến ngu ngốc đó mà Enishte đi cùng. Khi hai người này rời khỏi đám đông ở nghĩa trang đang tản hàng, và đi xuống bến cảng Eyup, tôi theo họ. Họ xuống một chiếc thuyền dài bốn tay chèo, và sau đó, tôi bước xuống một thuyền sáu tay chèo cùng vài thợ học việc trẻ, những kẻ đã quên mất người chết cùng đám tang mà đang vui đùa. Trong tầm nhìn thấy Cổng Phanar, thuyền của chúng tôi có lúc quá gần nhau đến độ các mái chèo chạm vào nhau, và tôi có thể thấy Siyah đang hăm hở thì thầm với Enishte. Ngay sau đó tôi nghĩ: kết thúc một sinh mạng mới dễ làm sao. Ôi Thượng đế, Người đã cho mỗi người trong chúng ta sức mạnh không thể tin được này, nhưng Người cũng khiến chúng ta sợ hãi khi sử dụng nó.
Tuy nhiên, nếu ai chỉ một lần vượt qua nỗi sợ hãi này và hành động, lập tức anh ta sẽ trở thành một con người khác hẳn. Có lúc tôi không chỉ sợ hãi Quỷ sứ mà còn sợ cả dấu hiệu mơ hồ nhất của cái ác trong tôi. Tuy nhiên, bây giờ tôi có cảm giác mình có thể chịu đựng được điều ác, và còn hơn thế nữa, nó là không thể thiếu được đối với một nghệ sĩ. Sau khi tôi giết kẻ khốn khổ đó bất chấp chứng run ở hai bàn tay tôi vốn kéo dài chỉ vài ngày, tôi vẫn vẽ tốt hơn, tôi sử dụng màu sắc sáng hơn và táo bạo hơn. Và quan trọng nhất, tôi nhận ra rằng tôi có thể gợi lên những điều kỳ diệu trong trí tưởng tượng. Nhưng điều này đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu người ở Istanbul có thể đánh giá cao vẻ lộng lẫy trong những tranh minh họa của tôi?
Ngoài khơi cảng gần Jibali, ngay giữa cửa sông Halic, tôi căm hờn nhìn Istanbul. Những mái vòm phủ tuyết sáng lấp lánh trong ánh nắng đột ngột xuyên qua những đám mây. Một thành phố càng lớn và càng đa tạp thì càng có nhiều nơi để che giấu tội ác và tội lỗi của nó; nó càng đông đúc thì càng có nhiều người ẩn núp phía sau. Trí tuệ của một thành phố phải được đo không chỉ bằng những học giả, thư viện, nhà tiểu họa, nhà thư pháp và trường hoạ mà còn bằng số lượng tội phạm ngấm ngầm xảy ra trên những đường phố tối tăm của nó qua hàng ngàn năm. Theo lý luận này, rõ ràng Istanbul là thành phố thông minh nhất thế giới.
Tại cảng Unkapani, tôi rời thuyền của mình ngay sau khi Siyah và Enishte của hắn rời khỏi thuyền. Tôi ở phía sau họ khi họ dìu nhau leo lên đồi. Ngay vị trí của trận hỏa hoạn gần đây dưới bóng Thánh đường Sultan Mehmet, họ dừng lại nói lời chia tay. Enishte Kính mến còn lại một mình, và trong phút chốc trông ông ta giống như một ông già bơ vơ. Tôi cảm thấy thôi thúc muốn chạy đến bên ông ta để nói cho ông biết những gì mà tay man rợ đó, kẻ mà chúng tôi vừa dự đám tang về đã giãi bày một cách vu khống với tôi; tôi định thú nhận những gì tôi đã làm để bảo vệ chúng tôi, và định hỏi ông ta: "Những gì Zarif Kính mến khẳng định có thật không? Có phải chúng ta đang lạm dụng sự tin cậy của Đức vua qua những tranh minh họa chúng ta làm không? Những kỹ thuật hội họa của chúng ta có mang tính phản trắc và là một sự lăng mạ đối với đạo giáo của chúng ta không? Và ngài có hoàn tất bức tranh lớn cuối cùng đó không?"
Tôi đứng giữa con đường tuyết phủ khi màn đêm buông xuống, nhìn dọc theo con đường tối đen đã bị bỏ lại cùng với tôi cho các âm hồn, thần tiên, bọn trộm cướp, cho nỗi sầu khổ của những người cha và những đứa con quay trở về nhà và cho nỗi buồn của những hàng cây phủ tuyết. Cuối đường, bên trong ngôi nhà hai tầng đồ sộ của Enishte Kính mến, mà giờ tôi có thể thấy qua những nhánh cây dẻ trơ trụi, có một người phụ nữ đẹp nhất thế giới đang sống. Nhưng, không, tại sao tôi phải làm mình phát điên lên vậy?
--- ------ ------ ------ -------
1 Yusuf o Zuleyha (Zulaikha): (Yusuf và Zuleyha): Truyện dân gian của thế giới Hồi giáo, là tựa của một trường ca được cho là của Firdusi, cũng là chuyện thứ năm tập Haft Awrang (Bảy ngai vàng) gồm bảy chuyện của Jami.
2 Huner-nama: Sách được làm ở Istanbul, gồm nhiều tập, trong khoảng 1523-1588 kể lại các kỹ năng mà giới cầm quyền thường rèn luyện và hữu dụng trong chiến tranh (như cưỡi ngựa. bắn cung, săn với chim ưng...).
Họ ném đất bùn lạnh lẽo lên cái xác méo mó biến dạng của Zarif Kính mến bạc mệnh và tôi khóc nhiều hơn bất kỳ ai. Tôi gào to, "Tôi muốn chết cùng anh ấy!" và "Hãy cho tôi nằm chung mộ với anh ấy!" Và họ ôm eo tôi lại để tôi đừng nhào xuống. Tôi thở gấp, và họ ấn bàn tay lên trán tôi, kéo đầu tôi ngửa ra sau để tôi có thể thở. Qua cái nhìn của họ hàng người chết, tôi cảm thấy có lẽ tôi đã quá cường điệu tiếng nức nở kêu gào; tôi liền bình tâm lại. Dựa vào nỗi buồn quá mức của tôi, những kẻ nhiều chuyện trong xưởng có thể cho rằng Zarif Kính mến với tôi yêu nhau.
Tôi nấp đằng sau một cây tiêu huyền cho đến khi đám tang kết thúc để tránh lôi kéo thêm sự chú ý về phía anh. Một người bà con của tên ngốc mà tôi đã tống xuống Địa ngục - một kẻ thậm chí còn đần độn hơn người chết - phát hiện tôi đằng sau gốc cây và nhìn sâu vào mắt tôi với cái nhìn mà hắn cho là đầy ý nghĩa. Hắn ôm tôi một lát, rồi tên ngốc này nói: "Anh là "Thứ bảy" hay "Thứ tư"?"
" "Thứ tư" có một thời là nghệ danh của người quá cố này," tôi nói. Hắn im lặng.
Câu chuyện đằng sau những nghệ danh này, vốn ràng buộc chúng tôi lại với nhau giống như một thỏa ước mật, thật đơn giản: Hồi chúng tôi còn học việc, khi nhà tiểu họa Osman vừa từ phụ tá thợ cả tiến lên thành thợ cả, tất cả chúng tôi có chung lòng kính trọng, ngưỡng mộ và yêu thương sâu sắc đối với thầy. Ông là một đại nghệ sĩ và ông đã dạy chúng tôi mọi thứ, vì Thượng đế đã ban cho ông một năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời và trí thông minh của một âm hồn. Mỗi sáng, theo yêu cầu đối với các thợ học việc, một đứa trong bọn chúng tôi sẽ đến nhà thầy, rồi kính cẩn theo sau thầy trên con đường đến xưởng, ôm bút và hộp đựng cọ của thầy, túi và cặp đựng đầy giấy của thầy. Chúng tôi rất thích được gần ông đến độ chúng tôi thường tranh cãi và đánh nhau để quyết định xem đứa nào sẽ được đi vào ngày nào đó.
Thầy Osman có một đứa học trò cưng. Nhưng nếu nó lúc nào cũng được đi, điều đó sẽ thổi bùng ngọn lửa ngồi lê đôi mách bất tận và những chuyện đùa vô vị mà chắc chắn rồi sẽ đầy trong xưởng. Vì thế vị thầy vĩ đại này đã quyết định rằng mỗi đứa chúng tôi sẽ được giao cho một ngày nhất định trong tuần. Vị thầy vĩ đại này làm việc vào thứ sáu và ở nhà vào thứ bảy. Con trai ông, người ông rất yêu - kẻ sau này phản bội ông và chúng tôi bằng cách từ bỏ nghề này - sẽ tháp tùng cha vào các ngày thứ hai như những thợ học việc bình thường. Cũng có một người anh em cao gầy của chúng tôi được gọi là "Thứ năm", một nhà tiểu họa tài năng hơn tất cả chúng tôi, song đã chết khi còn trẻ vì chứng sốt của một căn bệnh lạ. Zarif Kính mến, cầu Chúa phù hộ anh ta, sẽ đi vào ngày thứ tư, vì thế được gọi là "Thứ tư". Về sau vị thầy vĩ đại của chúng tôi đổi tên chúng tôi một cách đầy yêu thương và ý nghĩa từ thứ hai thành "Zeytin" ("ôliu"), từ thứ sáu thành "Leylek" ("Cò") và từ "Chủ nhật" thành "Kelebek" ("Bướm"), còn người chết hôm nay thì thầy đặt lại tên là "Zarif" ("Tao nhã"), ý muốn ám chỉ vẻ trau chuốt trong cách mạ vàng của anh ta. Vị thầy vĩ đại này hẳn đã nói, "Chào "Thứ tư" sáng nay con khỏe không?" với Zarif quá cố như thầy vẫn thường chào tất cả chúng tôi hồi đó. Khi tôi nhắc lại cách thầy thường chào hỏi tôi, tôi nghĩ mắt tôi hẳn đã đầy lệ: Thầy Osman khâm phục chúng tôi, và thầy có thể ứa nước mắt khi nhìn vẻ đẹp trong tác phẩm của chúng tôi; thầy sẽ hôn bàn tay và cánh tay chúng tôi, và bất chấp những trận đòn, chúng tôi cảm thấy như mình đang ở Thiên đàng khi còn là những thợ học việc; và vì thế tài năng của chúng tôi bừng nở cùng tình yêu của thầy. Thậm chí thói ghen tỵ, vốn phủ bóng lên những năm tháng hạnh phúc đó, hồi ấy cũng có một sắc thái khác.
Bây giờ tôi hoàn toàn bị chia cắt, giống như những nhân vật mà đầu và tay họ được thợ cả này vẽ và tô màu trong khi thân thể và quần áo của họ do một thợ khác vẽ. Khi một kẻ kính sợ Thượng đế như tôi bất ngờ trở thành kẻ sát nhân, nó cần có một thời gian để thích nghi. Tôi đã sử dụng giọng thứ hai, giọng thích hợp với một kẻ sát nhân, để tôi vẫn có thể sinh hoạt như thể cuộc sống cũ của tôi vẫn tiếp diễn. Hiện giờ tôi đang nói bằng giọng thứ hai chế giễu và xảo quyệt, cái giọng tôi giữ nằm ngoài cuộc sống thường lệ của tôi. Thỉnh thoảng, dĩ nhiên, các vị sẽ nghe giọng nói thường lệ, quen thuộc của tôi, giọng nói đó vẫn sẽ là giọng duy nhất của tôi nếu tôi không trở thành kẻ sát nhân.
Nhưng khi tôi nói với nghệ danh của mình, tôi sẽ không bao giờ nhận mình là mẻ sát nhân." Đừng ai kết hợp hai giọng này lại với nhau, tôi không có phong cách riêng hay những khuyết điểm trong nghệ thuật để làm lộ thân phận giấu kín của mình đâu. Thực tế tôi tin rằng phong cách, hay đại loại như thế, bất cứ thứ gì giúp phân biệt họa sĩ này với họa sĩ khác, là một khuyết điểm không phải là cá tính, như một số người từng tuyên bố một cách ngạo mạn.
Tôi thừa nhận rằng trong tình huống của mình, điều này đặt ra một vấn đề. Bởi dù tôi có thể nói thông qua cái nghệ danh mà Thầy Osman đã ưu ái đặt cho tôi và được Enishte Kính mến sử dụng, bởi ông cũng ngưỡng mộ nó, nhưng thật không khôn ngoan nếu tôi muốn các vị đoán xem tôi là Kelebek, Zeytin hay Leylek. Vì nếu các vị làm thế các vị sẽ không do dự giao tôi cho những kẻ tra tấn của viên Chỉ huy đội cận vệ hoàng gia của Đức vua.
Và, tôi phải quan tâm đến những gì tôi nghĩ và nói. Thực tình tôi biết rằng các vị đang lắng nghe tôi ngay cả khi tôi đang suy ngẫm về những vấn đề riêng tư. Tôi không thể cho phép ai suy đoán cẩu thả từ những nỗi bất mãn của tôi hoặc những chi tiết của cuộc đời tôi mà qua đó các vị có thể kết tội tôi. Cả khi kể lại những chuyện "Alif", "Ba", và "Djim" tôi luôn chú ý đến cái nhìn của các vị.
Một bên gồm những chiến binh, những tình nhân, những ông hoàng, những anh hùng truyền thuyết mà tôi đã hàng chục ngàn lần minh họa đối mặt với bất cứ thứ gì được vẽ ở đó, trong thời điểm thần thoại đó - chẳng hạn, những kẻ thù họ đang giao chiến, những con rồng họ đang giết, hoặc những thiếu nữ xinh đẹp mà họ đang nhỏ nước mắt khóc thương. Nhưng một khía cạnh khác, và mặt bên kia của thân thể họ, lại đối mặt với người yêu sách vở, kẻ tình cờ nhìn vào bức tranh tráng lệ này. Nếu tôi có phong cách và tính cách, nó không chỉ ẩn trong tác phẩm nghệ thuật của tôi mà cả trong tội ác và lời nói của tôi nữa! Vâng, hãy cố khám phá xem tôi là ai qua màu sắc và lời nói của tôi!
Tôi cũng biết rằng nếu các vị tóm được tôi, nó sẽ là nguồn an ủi cho linh hồn khốn khổ của Zarif Kính mến bất hạnh. Họ đang xúc đất trút lên anh ta trong khi tôi đứng đây dưới hàng cây, giữa bầy chim véo von, nhìn dòng nước lấp lánh vàng của sông Halic và những mái vòm xám xịt của Istanbul, và một lần nữa nhận ra diệu kỳ biết bao khi còn được sống. Zarif Kính mến đáng tội ngay sau khi anh ta gia nhập hàng ngũ của tay thuyết giáo hung hăng xứ Erzurum, anh ta hoàn toàn không còn thích tôi; nhưng trong hai mươi lăm năm cùng minh họa những cuốn sách cho Đức vua, có nhiều lúc chúng tôi thấy rất gần gũi nhau. Cách nay hai mươi năm, chúng tôi trở thành bạn bè trong khi đang làm một cuốn lịch sử hoàng gia bằng thơ cho phụ hoàng quá cố của Đức vua hiện nay. Nhưng khi làm tám bản minh họa đi kèm một tập thơ của Fuzuli chúng tôi lại càng thân thiết hơn bao giờ hết.
Hồi đó, một tối mùa hè, như một nhượng bộ cho những ước muốn phi lý nhưng dễ hiểu của anh ta - rõ ràng là một nhà tiểu họa phải cảm nhận được trong hồn mình bài văn mà anh ta đang minh họa - tôi đã đến đây kiên nhẫn lắng nghe anh ta đọc to một cách huê dạng những câu thơ trong tập tác phẩm của Fuzuli trong khi những bầy chim én hoảng hốt vỗ cánh trên đầu chúng tôi. Tôi vẫn nhớ một câu được đọc đêm đó: "Ta không phải là ta mà muôn thuở là ngươi." Tôi luôn tự hỏi làm sao người ta minh họa được cho câu này.
Tôi chạy tới nhà anh ta ngay khi nghe tin người ta tìm được xác anh ta. Ở đó, khu vườn nhỏ xíu nơi chúng tôi từng ngồi và đọc thơ, bây giờ phủ đầy tuyết, có vẻ nhỏ hơn, giống như bất cứ khu vườn nào khi ta thăm lại sau nhiều năm. Ngôi nhà của anh ta vẫn vậy. Từ phòng kế bên tôi nghe tiếng gào khóc của phụ nữ, và những lời than vãn cường điệu của họ, càng lúc càng dâng cao như thể họ đang ganh đua với nhau. Khi người anh cả của anh ta nói, tôi chú ý lắng nghe: Khuôn mặt của người anh em Zarif bất hạnh của chúng tôi hầu như đã bị hủy hoại, đầu anh ta bị đập nát.
Sau khi anh ta được đưa khỏi đáy giếng nơi anh ta nằm suốt bốn ngày, anh em của anh ta không nhận ra được anh ta, và người vợ tội nghiệp của anh ta, Kalbiye, mà họ đưa từ nhà đến, đành phải qua quần áo rách nát tả tơi mới nhận diện được cái thi thể không thể nhìn ra này trong đêm tối. Tôi nhớ lại một bức tranh vẽ các thương nhân Midian kéo Yusuf khỏi cái hố mà những anh em đố kị của anh ta đã ném anh ta xuống. Tôi rất thích vẽ cảnh này trong truyện Yusuf o Zuleyha 1, vì nó nhắc chúng tôi nhớ rằng lòng đố kị là cảm xúc chủ yếu trong cuộc sống.
Có một khoảng im lặng bất ngờ. Tôi có cảm giác mọi con mắt đều đổ dồn về tôi. Tôi nên khóc không? Tôi bắt gặp đôi mắt Siyah. Tên vô lại đáng tởm đó, hắn đang nhìn chúng tôi, giống như một kẻ được Enishte Kính mến phái đến đây để tìm ra sự thật.
"Ai có thể phạm một tội ác khủng khiếp như thế?" người anh cả kêu lên. "Loại súc vật nhẫn tâm nào có thể sát hại người anh em chúng ta, kẻ không dám làm hại một con kiến?" Anh ta trả lời câu hỏi này bằng những giọt nước mắt, và tôi khóc theo anh ta, giả vờ sầu khổ trong khi cố tìm câu trả lời cho riêng tôi: Những kẻ thù của Zarif là ai? Nếu đó không phải là tôi, thì ai khác có thể giết anh ta? Tôi nhớ lại rằng cách nay ít lâu - tôi tin đó là khi cuốn Huner-nama 2 đang được chuẩn bị - anh ta tham gia tranh cãi với những họa sĩ nào đó có ý muốn bác bỏ kỹ thuật của các bậc thầy xưa và tiêu hủy những trang mà các nhà tiểu họa chúng tôi đã lao động cật lực trên đó; vì vậy họ sẽ làm hỏng các đường viền bằng những màu sắc kinh khủng được dùng để tô điểm cho rẻ hơn và nhanh hơn. Họ là ai? Tuy nhiên sau này những lời đồn đại bắt đầu lan truyền rằng sự thù địch dấy lên không phải vì lý do này, mà vì sự ganh đua muốn giành cảm tình của một thợ học việc đóng sách đẹp trai làm việc ở tầng trệt; nhưng đấy là chuyện cũ. Và có những người bực tức trước phẩm cách của Zarif, sự khéo léo của anh ta, thái độ nữ tính đầy hiểu biết của anh ta, nhưng điều này có liên quan đến một vấn đề hoàn toàn khác: Zarif bị trói buộc một cách mù quáng vào phong cách cũ, một kẻ cuồng tín về sự phối hợp màu sắc giữa mạ vàng và minh họa, và trước mặt Thầy Osman, anh ta có thể chỉ ra chẳng hạn những lỗi lầm không hề có của những nhà tiểu họa khác - đặc biệt là của tôi - với vẻ hóm hỉnh dịu dàng. Cuộc cãi cọ cuối cùng của anh ta có liên quan đến một vấn đề mà nhiều năm trước đây đã trở nên rất nhạy cảm đối với Thầy Osman: giới tiểu họa hoàng gia, những người làm thêm ngoài giờ, đã bí mật nhận làm thêm những việc tầm thường bên ngoài cung điện. Trong những năm gần đây, khi mối quan tâm của Đức vua bắt đầu nhạt dần và, cùng với nó, tiền bạc do Trưởng Ngân khố chi ra cũng ít đi, các nhà tiểu họa bắt đầu đến thăm những ngôi nhà hai tầng của các tổng trấn trẻ ngu ngốc - và những họa sĩ tài giỏi nhất nửa đêm thì đến thăm Enishte.
Tôi hoàn toàn không chút lo lắng trước quyết định của Enishte không làm tiếp cuốn sách của ông - hoặc của chúng tôi - hay lý do rằng nó mang điềm xấu theo ông nói. Dĩ nhiên, ông đã đoán rằng tên sát nhân đã hạ thủ Zarif Kính mến ngu xuẩn là một người trong nhóm chúng tôi, những kẻ đang trang trí cuốn sách của ông. Hãy đặt các vị vào trường hợp ông ta: Các vị có mời một tên sát nhân đến nhà các vị nửa tháng một lần để trang trí sách vào ban đêm không? Trước tiên các vị không xác định được lai lịch tên giết người và tay minh họa giỏi nhất sao? Tôi tin chắc chắn rằng ông ta sẽ nhanh chóng suy ra ai trong số những nhà tiểu họa là người tài năng nhất và có khả năng nhất trong việc chọn màu, mạ vàng, quyết định trang, minh họa, vẽ mặt và bố cục trang, và sau khi làm thế, ông ta sẽ tiếp tục làm việc với tôi một mình. Tôi không thể hình dung ông ta sẽ nhỏ nhen đến mức nghĩ về tôi như một kẻ sát nhân tầm thường thay vì một nhà tiểu họa tài năng đích thực.
Qua khóe mắt tôi quan sát tên Siyah Kính mến ngu ngốc đó mà Enishte đi cùng. Khi hai người này rời khỏi đám đông ở nghĩa trang đang tản hàng, và đi xuống bến cảng Eyup, tôi theo họ. Họ xuống một chiếc thuyền dài bốn tay chèo, và sau đó, tôi bước xuống một thuyền sáu tay chèo cùng vài thợ học việc trẻ, những kẻ đã quên mất người chết cùng đám tang mà đang vui đùa. Trong tầm nhìn thấy Cổng Phanar, thuyền của chúng tôi có lúc quá gần nhau đến độ các mái chèo chạm vào nhau, và tôi có thể thấy Siyah đang hăm hở thì thầm với Enishte. Ngay sau đó tôi nghĩ: kết thúc một sinh mạng mới dễ làm sao. Ôi Thượng đế, Người đã cho mỗi người trong chúng ta sức mạnh không thể tin được này, nhưng Người cũng khiến chúng ta sợ hãi khi sử dụng nó.
Tuy nhiên, nếu ai chỉ một lần vượt qua nỗi sợ hãi này và hành động, lập tức anh ta sẽ trở thành một con người khác hẳn. Có lúc tôi không chỉ sợ hãi Quỷ sứ mà còn sợ cả dấu hiệu mơ hồ nhất của cái ác trong tôi. Tuy nhiên, bây giờ tôi có cảm giác mình có thể chịu đựng được điều ác, và còn hơn thế nữa, nó là không thể thiếu được đối với một nghệ sĩ. Sau khi tôi giết kẻ khốn khổ đó bất chấp chứng run ở hai bàn tay tôi vốn kéo dài chỉ vài ngày, tôi vẫn vẽ tốt hơn, tôi sử dụng màu sắc sáng hơn và táo bạo hơn. Và quan trọng nhất, tôi nhận ra rằng tôi có thể gợi lên những điều kỳ diệu trong trí tưởng tượng. Nhưng điều này đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu người ở Istanbul có thể đánh giá cao vẻ lộng lẫy trong những tranh minh họa của tôi?
Ngoài khơi cảng gần Jibali, ngay giữa cửa sông Halic, tôi căm hờn nhìn Istanbul. Những mái vòm phủ tuyết sáng lấp lánh trong ánh nắng đột ngột xuyên qua những đám mây. Một thành phố càng lớn và càng đa tạp thì càng có nhiều nơi để che giấu tội ác và tội lỗi của nó; nó càng đông đúc thì càng có nhiều người ẩn núp phía sau. Trí tuệ của một thành phố phải được đo không chỉ bằng những học giả, thư viện, nhà tiểu họa, nhà thư pháp và trường hoạ mà còn bằng số lượng tội phạm ngấm ngầm xảy ra trên những đường phố tối tăm của nó qua hàng ngàn năm. Theo lý luận này, rõ ràng Istanbul là thành phố thông minh nhất thế giới.
Tại cảng Unkapani, tôi rời thuyền của mình ngay sau khi Siyah và Enishte của hắn rời khỏi thuyền. Tôi ở phía sau họ khi họ dìu nhau leo lên đồi. Ngay vị trí của trận hỏa hoạn gần đây dưới bóng Thánh đường Sultan Mehmet, họ dừng lại nói lời chia tay. Enishte Kính mến còn lại một mình, và trong phút chốc trông ông ta giống như một ông già bơ vơ. Tôi cảm thấy thôi thúc muốn chạy đến bên ông ta để nói cho ông biết những gì mà tay man rợ đó, kẻ mà chúng tôi vừa dự đám tang về đã giãi bày một cách vu khống với tôi; tôi định thú nhận những gì tôi đã làm để bảo vệ chúng tôi, và định hỏi ông ta: "Những gì Zarif Kính mến khẳng định có thật không? Có phải chúng ta đang lạm dụng sự tin cậy của Đức vua qua những tranh minh họa chúng ta làm không? Những kỹ thuật hội họa của chúng ta có mang tính phản trắc và là một sự lăng mạ đối với đạo giáo của chúng ta không? Và ngài có hoàn tất bức tranh lớn cuối cùng đó không?"
Tôi đứng giữa con đường tuyết phủ khi màn đêm buông xuống, nhìn dọc theo con đường tối đen đã bị bỏ lại cùng với tôi cho các âm hồn, thần tiên, bọn trộm cướp, cho nỗi sầu khổ của những người cha và những đứa con quay trở về nhà và cho nỗi buồn của những hàng cây phủ tuyết. Cuối đường, bên trong ngôi nhà hai tầng đồ sộ của Enishte Kính mến, mà giờ tôi có thể thấy qua những nhánh cây dẻ trơ trụi, có một người phụ nữ đẹp nhất thế giới đang sống. Nhưng, không, tại sao tôi phải làm mình phát điên lên vậy?
--- ------ ------ ------ -------
1 Yusuf o Zuleyha (Zulaikha): (Yusuf và Zuleyha): Truyện dân gian của thế giới Hồi giáo, là tựa của một trường ca được cho là của Firdusi, cũng là chuyện thứ năm tập Haft Awrang (Bảy ngai vàng) gồm bảy chuyện của Jami.
2 Huner-nama: Sách được làm ở Istanbul, gồm nhiều tập, trong khoảng 1523-1588 kể lại các kỹ năng mà giới cầm quyền thường rèn luyện và hữu dụng trong chiến tranh (như cưỡi ngựa. bắn cung, săn với chim ưng...).