Chương : 67
KINH TRƯA
Tác giả: Umberto Eco
Tái lập thứ tự kế vị
của các quản thư viện,
nắm thêm dữ kiện về
quyển sách bí ẩn
Thầy William quyết định lên lại phòng Thư tịch, nơi thầy vừa rời gót. Thầy xin phép Benno tra cứu thư mục, và giở xem thật nhanh. Thầy nói:
- Nó chắc đâu đây thôi. Thầy mới thấy nó cách đây một giờ.
Thầy dừng lại một trang và bảo: - Đây, hãy đọc đầu đề này.
Trong một đề mục, có một nhóm bốn tựa sách, cho thấy quyển sách chứa nhiều bản văn. Tôi đọc thấy:
I. ar. Về lời nói của một kẻ ngốc
II. syr. Quyển sách nhỏ về thuật giả kim Ai Cập
III. Cuộc triển lãm của thầy Alcofribae về bữa tiệc của Cyprian, giám mục thành Carthage.
IV. Quyển sách thiếu đoạn đầu nói về nỗi đọa đầy của các nàng trinh nữ và tình yêu của những cô gái điếm[1].
- Gì thế thầy?
Thầy thì thầm bảo:
- Sách chúng ta tìm đấy. Đó là lý do tại sao giấc mơ của con đã gợi cho thầy nhớ đến một điều gì. Bây giờ thầy đã biết điều đó.
Thầy liếc nhanh các trang trước và sau:
- Thật ra, đây là tất cả các sách thầy nghĩ đến. Nhưng đây không phải là điều thầy muốn kiểm tra lại. Xem này. Con có bảng viết không? Giỏi. Chúng ta phải tính toán và cố nhớ thật rõ điều Alinardo đã bảo chúng ta hôm trước, cũng như những gì ta biết được từ Nicholas sáng nay. Này nhé, Nicholas bảo Huynh ấy đến đây ba mươi năm trước, lúc ấy Cha bề trên đã được bổ nhiệm làm Tu viện trưởng. Tu viện trưởng trước Cha là Paul xứ Rimini. Đúng không? Cứ cho sự kế vị này xảy ra khoảng năm 1290, trước hay sau không thành vấn đề. Nicholas cũng bảo, khi Huynh đến thì Robert xứ Bobbio đã là quản thư viện. Đúng chưa? Rồi Robert chết, chức vụ này được trao cho Malachi, cứ cho là vào đầu thế kỷ này. Ghi vào. Tuy nhiên, trước khi Nicholas đến, có một giai đoạn Paul là quản thư viện. Người ấy giữ chức vụ đó trong bao lâu? Không ai nói. Chúng ta có thể xem sổ sách tu viện, thầy nghĩ rằng Tu viện trưởng hiện cất giữ chúng, nhưng lúc này thầy không muốn hỏi Cha các sổ đó. Giả sử Paul được bổ làm quản thư viện cách đây sáu mươi năm. Viết vào. Tại sao Alinardo lại than phiền rằng năm mươi năm trước đây, chức quản thư viện lẽ ra đã được trao cho Huynh ấy mà lại trao cho người khác? Phải chăng Huynh ám chỉ Paul xứ Rimini?
- Hay Robert xứ Bobbio!
- Có lẽ vậy. Nhưng hãy nhìn thư mục này. Như con biết, các đề mục được ghi theo thứ tự thời gian nhận sách vào. Và ai ghi tên tựa sách vào sổ? Quản thư viện. Do đó, dựa theo sự thay đổi tuồng chữ trong những trang này, chúng ta có thể xác lập được thứ tự kế vị của các quản thư viện. Bây giờ, chúng ta xem thư mục ngược từ dưới lên, tuồng chữ cuối cùng là của Malachi, con thấy đấy. Và chỉ chiếm có vài trang thôi. Rồi chúng ta giở ngược về sau thì thấy một loạt trang viết bằng một tuồng chữ run rẩy. Thầy có thể nhận rõ sự hiện diện của Robert bệnh hoạn. Có lẽ Robert không giữ chức quản thư viện lâu. Rồi chúng ta thấy gì nữa? Hết trang này sang trang khác, viết bằng một tuồng chữ thẳng và tự tin, toàn bộ số sách nhận được kể cả nhóm sách mà thầy vừa xem xét mới đây, quả thực đáng kể. Paul xứ Rimini hẳn đã làm việc tích cực lắm! Quá tích cực nữa, nếu con nhớ rằng người ấy trở thành Tu viện trưởng khi còn rất trẻ. Nhưng hãy cho rằng trong vài năm, độc giả mọt sách này đã làm giàu cho thư viện thêm vô số sách. Chẳng phải Nicholas kể rằng, người ấy được mệnh danh là “Abbas agraphicus” (2) vì cái tật, hay cơn bệnh lạ lùng đã làm người mất khả năng viết. Vậy thì ai đã viết những trang này? Có lẽ là phụ tá của ông. Nhưng nếu có cơ may người phụ tá này được bổ làm quản thư, ông ta sẽ tiếp tục viết và chúng ta hiểu được tại sao có nhiều trang cùng một tuồng chữ ở đây như vậy. Thế thì, giữa nhiệm kỳ của Paul và Robert có một quản thư viện khác, được chọn cách đây năm mươi năm, đó là đối thủ bí ẩn của Alinardo, lão Huynh ấy đã hy vọng được kế tục Paul vì lớn tuổi hơn. Rồi người ấy chết, và không biết thế nào đó mà Robert được bổ nhiệm thay người này, trái với kỳ vọng của Alinardo và những người khác.
- Nhưng sao thầy biết chắc khoảng thời gian đó là đúng? Ngay cả việc cho rằng tuồng chữ này là tuồng chữ của người quản thư vô danh, thì tại sao Paul lại không thể viết các đầu đề trong những trang trước nữa?
- Vì trong số những tựa nhận được, họ có ghi lại tất cả các nghị định và sắc chỉ, và các sắc nghị này đều có ghi ngày tháng chính xác. Nếu con tra thấy ở đây có “Sự cảnh giác nghiêm nhặt ” (3) của Giáo hoàng Boniface VII ban hành năm 1296, thì con biết rằng sắc chỉ này không đến Thư viện trước năm đó, và cũng không đến sau năm đó nhiều. Như thế là, ta đã có những cột mốc thời gian, do đó thầy cho rằng Paul xứ Rimini lên nhận chức quản thư viện năm 1265 và lên Tu viện trưởng năm 1275, và tuồng chữ của Paul, hay của một người khác không phải là Robert, kéo dài từ năm 1265 đến 1285, như vậy thầy phát hiện có một khoảng cách biệt là mười năm.
Thầy tôi quả thực sắc sảo. Tôi hỏi: - Thế thầy rút ra được từ khoảng cách biệt thời gian này những kết luận gì?
- Không có kết luận nào cả. Chỉ được vài tiền đề.
Rồi thầy đứng lên, đến nói chuyện với Benno. Huynh vẫn bám vị trí, nhưng lộ vẻ rất lúng túng. Huynh vẫn ngồi sau bàn của mình, chưa dám chuyển sang ngồi ở bàn của Malachi bên cạnh thư mục. Thầy William nói chuyện với Benno có vẻ hơi lạnh lùng. Chúng tôi chưa quên được buổi gặp gỡ khó chịu đêm hôm trước.
- Sư huynh quản thư viện, mặc dù Huynh vừa nhận một chức vụ quan trọng, tôi mong Huynh sẽ trả lời câu hỏi sau: Vào buổi sáng khi Adelmo và vài người khác tại đây bàn luận về các câu đố dí dỏm, rồi Berengar lần đầu tiên, nói đến “finis Africae”, có ai đề cập đến “Bữa tiệc của Cyprian ” không?
Benno đáp: - Có, tôi đã chẳng nói với Huynh rồi ư? Trước khi họ bàn về các câu đố của Symphosius, chính Venantius đã nhắc đến “Bữa tiệc ”, rồi Malachi nổi giận, bảo đó là một tác phẩm hạ cấp và Tu viện trưởng đã cấm không ai được đọc nó…
- Tu viện trưởng à? Hay lắm. Cảm ơn Benno.
- Khoan đã. Tôi muốn nói chuyện với Huynh. – Benno ra dấu bảo chúng tôi theo ra khỏi phòng thư tịch, đến cầu thang dẫn xuống nhà bếp, để không ai nghe thấy lời mình nói. Môi Benno run bần bật. Huynh nói:
- Sư huynh William, tôi sợ quá. Họ đã giết Malachi. Bây giờ tôi là người duy nhất biết quá nhiều. Hơn nữa, nhóm tu sĩ Ý ghét tôi lắm… Họ không muốn có thêm một quản thư viện nước ngoài nữa… Tôi tin những người kia bị giết cũng chính vì nguyên do này… Tôi chưa bao giờ kể Huynh nghe việc Alinardo ghét cay ghét đắng Malachi.
- Ai là người đã tước mất chức quản thư của lão huynh ấy nhiều năm trước đây?
- Tôi không biết: Huynh ấy nói về chuyện ấy rất lờ mờ, và dẫu sao chuyện đó cũng xa xưa quá. Họ chắc chết hết rồi. Nhưng nhóm tu sĩ Ý quanh Alinardo trước đây thường nói… Malachi là một hình nộm do một người khác đặt vào vị trí này, với sự đồng lõa của Tu viện trưởng… Không nhận thức được điều này, tôi… tôi vô tình đã can dự vào cuộc mâu thuẫn giữa hai phe thù nghịch… Sáng nay, tôi mới nhận ra điều này… Nước Ý là một nước đầy rẫy âm mưu: ở đây họ thuốc cả các Giáo hoàng, thế nên hãy tưởng tượng một thanh niên khốn khổ như tôi đây… Hôm qua tôi chưa hiểu, tôi nghĩ quyển sách đó là nguồn gốc của mọi việc, nhưng bây giờ tôi không dám chắc thế nữa. Đó chỉ là một cái cớ thôi: Huynh thấy đấy, quyển sách đã tìm lại được mà Malachi vẫn cứ chết… Tôi phải… Tôi muốn. Tôi muốn chạy trốn. Huynh khuyên tôi nên làm gì đây?
- Hãy bình tĩnh. Bây giờ Huynh cần lời khuyên phải không? Tối hôm qua, Huynh có vẻ như mình là chúa tể thế giới. Chàng trai ngu ngốc ạ, nếu hôm qua Huynh giúp tôi thì chúng ta đã ngăn được án mạng cuối cùng này. Chính Huynh là người đã đưa cho Malachi quyển sách, khiến Huynh ấy phải chết. Nhưng tối thiểu, hãy cho tôi biết một điều: Huynh có cầm quyển sách ấy trong tay không, Huynh có sờ vào nó, đọc nó không? Thế sao Huynh không chết?
- Tôi không biết. Tôi thề rằng tôi chưa chạm vào nó, hay nói cho đúng ra, tôi có sờ vào nó khi lấy nó ra từ phòng thí nghiệm, nhưng không mở nó ra. Tôi giấu nó dưới áo dòng, rồi đem bỏ nó dưới giường trong phòng tôi. Tôi biết Malachi đang theo dõi tôi nên lên phòng thư tịch ngay. Sau đó, khi Malachi đề nghị tôi làm phụ tá cho Huynh, tôi bèn giao quyển sách ấy lại. Toàn bộ câu chuyện là thế.
- Đừng có giấu tôi là Huynh có mở sách ra.
- Có, trước khi giấu, tôi có mở sách ra, để biết chắc đó là quyển sách Huynh đang tìm kiếm. Sách bắt đầu bằng một bản viết tiếng Ả Rập, rồi đến một bản – tôi nghĩ bằng tiếng Xy-ri cổ, rồi tới một bản tiếng La-tinh, và cuối cùng là một bản tiếng Hy Lạp…
Tôi nhớ lại những từ viết tắt chúng tôi đã thấy trong thư mục. Hai tựa đầu được ghi bằng “Ar.” và “Syr.”. Đúng là quyển sách ấy rồi! Thầy William vẫn ráo riết hỏi:
- Huynh chạm vào nó mà không chết. Thế có nghĩa là không phải chạm vào sách là chết người. Huynh có thể nói gì thêm về bản tiếng Hy Lạp không? Huynh có đọc qua không?
- Đọc sơ sài thôi. Chỉ đủ để biết nó không có tựa, nó bắt đầu như thể đã thiếu một phần…
- Liber acephalus. Quyển sách thiếu đoạn đầu… Thầy William lầm thầm.
- Tôi cố đọc trang đầu, nhưng sự thật thì vốn Hy Lạp của tôi rất nghèo. Nhưng tôi rất tò mò về một chi tiết khác, cũng liên quan đến những trang viết bằng tiếng Hy Lạp ấy. Tôi không thể giở xem tất cả các trang ấy được, vì chúng – biết giải thích sao nhỉ? – âm ẩm, dính chặt vào nhau. Rất khó tách một trang này ra khỏi trang kia. Vì loại giấy da đó rất kỳ… mềm hơn các loại giấy khác, trang đầu bị hư nhũn, gần như nhăn nhúm hết. Nó, nó… Lạ lùng lắm!
- “Lạ lùng”: chính là cái từ Severinus đã dùng, - thầy William nói.
- Loại giấy da đó không giống giấy da lắm… Nó như một loại hàng lụa, nhưng rất mịn – Benno tiếp
- Charta lintes, hay giấy lụa đấy. Huynh chưa bao giờ thấy nó à?
- Tôi có nghe nói đến, nhưng chưa bao giờ trông thấy cả. Người ta bảo nó rất đắt và mỏng manh lắm, thế nên rất hiếm khi được sử dụng. Người Ả-rập làm ra loại giấy ấy phải không?
- Họ là người đầu tiên sản xuất nó. Nhưng nó cũng được sản xuất ở Ý và Fabriano. Và cũng… Trời đất, đương nhiên rồi! – Mắt thầy William sáng lên. - Thật là một tiết lộ tuyệt hay, tuyệt đẹp! Tốt cho Huynh rồi, Benno! Cảm ơn Huynh! Phải, tôi nghĩ tại thư viện đây, loại giấy charta lintes phải hiếm hoi, vì không có một bản viết cận đại nào được nhập vào cả. Ngoài ra, nhiều người sợ loại giấy lụa này không chịu nổi qua nhiều thế kỷ như loại giấy da, và có lẽ đúng thế. Hãy tưởng tượng xem, nếu ở đây họ cần một loại gì đó không trường cửu như than… thì sẽ là giấy lụa chăng? Hay lắm. Tạm biệt. Và đừng lo sợ nữa. Huynh không bị nguy hiểm đâu.
Chúng tôi rời phòng thư tịch, Benno ở lại, tuy chưa hoàn toàn an tâm, nhưng đã bình tĩnh hơn.
Tu viện trưởng đang ở nhà ăn. Thầy William đến xin thưa chuyện với Cha. Không tìm cách trì hoãn được, Cha Bề trên đành đồng ý tiếp chúng tôi một lát, tại nhà của mình.
Chú thích:
[1] I. ar. de dictis cuiusdam stulti
II. syr. libellus alchemicus aegypt
III. Expositio Magistri Alcofribae de coena beati Cypriani Cartaginensis Episcopi
IV. Liber acephalus de stupris virginum et meretricum amoribus
[2] Tu viện trưởng mất khả năng viết
[3] Firma Cautela
Tác giả: Umberto Eco
Tái lập thứ tự kế vị
của các quản thư viện,
nắm thêm dữ kiện về
quyển sách bí ẩn
Thầy William quyết định lên lại phòng Thư tịch, nơi thầy vừa rời gót. Thầy xin phép Benno tra cứu thư mục, và giở xem thật nhanh. Thầy nói:
- Nó chắc đâu đây thôi. Thầy mới thấy nó cách đây một giờ.
Thầy dừng lại một trang và bảo: - Đây, hãy đọc đầu đề này.
Trong một đề mục, có một nhóm bốn tựa sách, cho thấy quyển sách chứa nhiều bản văn. Tôi đọc thấy:
I. ar. Về lời nói của một kẻ ngốc
II. syr. Quyển sách nhỏ về thuật giả kim Ai Cập
III. Cuộc triển lãm của thầy Alcofribae về bữa tiệc của Cyprian, giám mục thành Carthage.
IV. Quyển sách thiếu đoạn đầu nói về nỗi đọa đầy của các nàng trinh nữ và tình yêu của những cô gái điếm[1].
- Gì thế thầy?
Thầy thì thầm bảo:
- Sách chúng ta tìm đấy. Đó là lý do tại sao giấc mơ của con đã gợi cho thầy nhớ đến một điều gì. Bây giờ thầy đã biết điều đó.
Thầy liếc nhanh các trang trước và sau:
- Thật ra, đây là tất cả các sách thầy nghĩ đến. Nhưng đây không phải là điều thầy muốn kiểm tra lại. Xem này. Con có bảng viết không? Giỏi. Chúng ta phải tính toán và cố nhớ thật rõ điều Alinardo đã bảo chúng ta hôm trước, cũng như những gì ta biết được từ Nicholas sáng nay. Này nhé, Nicholas bảo Huynh ấy đến đây ba mươi năm trước, lúc ấy Cha bề trên đã được bổ nhiệm làm Tu viện trưởng. Tu viện trưởng trước Cha là Paul xứ Rimini. Đúng không? Cứ cho sự kế vị này xảy ra khoảng năm 1290, trước hay sau không thành vấn đề. Nicholas cũng bảo, khi Huynh đến thì Robert xứ Bobbio đã là quản thư viện. Đúng chưa? Rồi Robert chết, chức vụ này được trao cho Malachi, cứ cho là vào đầu thế kỷ này. Ghi vào. Tuy nhiên, trước khi Nicholas đến, có một giai đoạn Paul là quản thư viện. Người ấy giữ chức vụ đó trong bao lâu? Không ai nói. Chúng ta có thể xem sổ sách tu viện, thầy nghĩ rằng Tu viện trưởng hiện cất giữ chúng, nhưng lúc này thầy không muốn hỏi Cha các sổ đó. Giả sử Paul được bổ làm quản thư viện cách đây sáu mươi năm. Viết vào. Tại sao Alinardo lại than phiền rằng năm mươi năm trước đây, chức quản thư viện lẽ ra đã được trao cho Huynh ấy mà lại trao cho người khác? Phải chăng Huynh ám chỉ Paul xứ Rimini?
- Hay Robert xứ Bobbio!
- Có lẽ vậy. Nhưng hãy nhìn thư mục này. Như con biết, các đề mục được ghi theo thứ tự thời gian nhận sách vào. Và ai ghi tên tựa sách vào sổ? Quản thư viện. Do đó, dựa theo sự thay đổi tuồng chữ trong những trang này, chúng ta có thể xác lập được thứ tự kế vị của các quản thư viện. Bây giờ, chúng ta xem thư mục ngược từ dưới lên, tuồng chữ cuối cùng là của Malachi, con thấy đấy. Và chỉ chiếm có vài trang thôi. Rồi chúng ta giở ngược về sau thì thấy một loạt trang viết bằng một tuồng chữ run rẩy. Thầy có thể nhận rõ sự hiện diện của Robert bệnh hoạn. Có lẽ Robert không giữ chức quản thư viện lâu. Rồi chúng ta thấy gì nữa? Hết trang này sang trang khác, viết bằng một tuồng chữ thẳng và tự tin, toàn bộ số sách nhận được kể cả nhóm sách mà thầy vừa xem xét mới đây, quả thực đáng kể. Paul xứ Rimini hẳn đã làm việc tích cực lắm! Quá tích cực nữa, nếu con nhớ rằng người ấy trở thành Tu viện trưởng khi còn rất trẻ. Nhưng hãy cho rằng trong vài năm, độc giả mọt sách này đã làm giàu cho thư viện thêm vô số sách. Chẳng phải Nicholas kể rằng, người ấy được mệnh danh là “Abbas agraphicus” (2) vì cái tật, hay cơn bệnh lạ lùng đã làm người mất khả năng viết. Vậy thì ai đã viết những trang này? Có lẽ là phụ tá của ông. Nhưng nếu có cơ may người phụ tá này được bổ làm quản thư, ông ta sẽ tiếp tục viết và chúng ta hiểu được tại sao có nhiều trang cùng một tuồng chữ ở đây như vậy. Thế thì, giữa nhiệm kỳ của Paul và Robert có một quản thư viện khác, được chọn cách đây năm mươi năm, đó là đối thủ bí ẩn của Alinardo, lão Huynh ấy đã hy vọng được kế tục Paul vì lớn tuổi hơn. Rồi người ấy chết, và không biết thế nào đó mà Robert được bổ nhiệm thay người này, trái với kỳ vọng của Alinardo và những người khác.
- Nhưng sao thầy biết chắc khoảng thời gian đó là đúng? Ngay cả việc cho rằng tuồng chữ này là tuồng chữ của người quản thư vô danh, thì tại sao Paul lại không thể viết các đầu đề trong những trang trước nữa?
- Vì trong số những tựa nhận được, họ có ghi lại tất cả các nghị định và sắc chỉ, và các sắc nghị này đều có ghi ngày tháng chính xác. Nếu con tra thấy ở đây có “Sự cảnh giác nghiêm nhặt ” (3) của Giáo hoàng Boniface VII ban hành năm 1296, thì con biết rằng sắc chỉ này không đến Thư viện trước năm đó, và cũng không đến sau năm đó nhiều. Như thế là, ta đã có những cột mốc thời gian, do đó thầy cho rằng Paul xứ Rimini lên nhận chức quản thư viện năm 1265 và lên Tu viện trưởng năm 1275, và tuồng chữ của Paul, hay của một người khác không phải là Robert, kéo dài từ năm 1265 đến 1285, như vậy thầy phát hiện có một khoảng cách biệt là mười năm.
Thầy tôi quả thực sắc sảo. Tôi hỏi: - Thế thầy rút ra được từ khoảng cách biệt thời gian này những kết luận gì?
- Không có kết luận nào cả. Chỉ được vài tiền đề.
Rồi thầy đứng lên, đến nói chuyện với Benno. Huynh vẫn bám vị trí, nhưng lộ vẻ rất lúng túng. Huynh vẫn ngồi sau bàn của mình, chưa dám chuyển sang ngồi ở bàn của Malachi bên cạnh thư mục. Thầy William nói chuyện với Benno có vẻ hơi lạnh lùng. Chúng tôi chưa quên được buổi gặp gỡ khó chịu đêm hôm trước.
- Sư huynh quản thư viện, mặc dù Huynh vừa nhận một chức vụ quan trọng, tôi mong Huynh sẽ trả lời câu hỏi sau: Vào buổi sáng khi Adelmo và vài người khác tại đây bàn luận về các câu đố dí dỏm, rồi Berengar lần đầu tiên, nói đến “finis Africae”, có ai đề cập đến “Bữa tiệc của Cyprian ” không?
Benno đáp: - Có, tôi đã chẳng nói với Huynh rồi ư? Trước khi họ bàn về các câu đố của Symphosius, chính Venantius đã nhắc đến “Bữa tiệc ”, rồi Malachi nổi giận, bảo đó là một tác phẩm hạ cấp và Tu viện trưởng đã cấm không ai được đọc nó…
- Tu viện trưởng à? Hay lắm. Cảm ơn Benno.
- Khoan đã. Tôi muốn nói chuyện với Huynh. – Benno ra dấu bảo chúng tôi theo ra khỏi phòng thư tịch, đến cầu thang dẫn xuống nhà bếp, để không ai nghe thấy lời mình nói. Môi Benno run bần bật. Huynh nói:
- Sư huynh William, tôi sợ quá. Họ đã giết Malachi. Bây giờ tôi là người duy nhất biết quá nhiều. Hơn nữa, nhóm tu sĩ Ý ghét tôi lắm… Họ không muốn có thêm một quản thư viện nước ngoài nữa… Tôi tin những người kia bị giết cũng chính vì nguyên do này… Tôi chưa bao giờ kể Huynh nghe việc Alinardo ghét cay ghét đắng Malachi.
- Ai là người đã tước mất chức quản thư của lão huynh ấy nhiều năm trước đây?
- Tôi không biết: Huynh ấy nói về chuyện ấy rất lờ mờ, và dẫu sao chuyện đó cũng xa xưa quá. Họ chắc chết hết rồi. Nhưng nhóm tu sĩ Ý quanh Alinardo trước đây thường nói… Malachi là một hình nộm do một người khác đặt vào vị trí này, với sự đồng lõa của Tu viện trưởng… Không nhận thức được điều này, tôi… tôi vô tình đã can dự vào cuộc mâu thuẫn giữa hai phe thù nghịch… Sáng nay, tôi mới nhận ra điều này… Nước Ý là một nước đầy rẫy âm mưu: ở đây họ thuốc cả các Giáo hoàng, thế nên hãy tưởng tượng một thanh niên khốn khổ như tôi đây… Hôm qua tôi chưa hiểu, tôi nghĩ quyển sách đó là nguồn gốc của mọi việc, nhưng bây giờ tôi không dám chắc thế nữa. Đó chỉ là một cái cớ thôi: Huynh thấy đấy, quyển sách đã tìm lại được mà Malachi vẫn cứ chết… Tôi phải… Tôi muốn. Tôi muốn chạy trốn. Huynh khuyên tôi nên làm gì đây?
- Hãy bình tĩnh. Bây giờ Huynh cần lời khuyên phải không? Tối hôm qua, Huynh có vẻ như mình là chúa tể thế giới. Chàng trai ngu ngốc ạ, nếu hôm qua Huynh giúp tôi thì chúng ta đã ngăn được án mạng cuối cùng này. Chính Huynh là người đã đưa cho Malachi quyển sách, khiến Huynh ấy phải chết. Nhưng tối thiểu, hãy cho tôi biết một điều: Huynh có cầm quyển sách ấy trong tay không, Huynh có sờ vào nó, đọc nó không? Thế sao Huynh không chết?
- Tôi không biết. Tôi thề rằng tôi chưa chạm vào nó, hay nói cho đúng ra, tôi có sờ vào nó khi lấy nó ra từ phòng thí nghiệm, nhưng không mở nó ra. Tôi giấu nó dưới áo dòng, rồi đem bỏ nó dưới giường trong phòng tôi. Tôi biết Malachi đang theo dõi tôi nên lên phòng thư tịch ngay. Sau đó, khi Malachi đề nghị tôi làm phụ tá cho Huynh, tôi bèn giao quyển sách ấy lại. Toàn bộ câu chuyện là thế.
- Đừng có giấu tôi là Huynh có mở sách ra.
- Có, trước khi giấu, tôi có mở sách ra, để biết chắc đó là quyển sách Huynh đang tìm kiếm. Sách bắt đầu bằng một bản viết tiếng Ả Rập, rồi đến một bản – tôi nghĩ bằng tiếng Xy-ri cổ, rồi tới một bản tiếng La-tinh, và cuối cùng là một bản tiếng Hy Lạp…
Tôi nhớ lại những từ viết tắt chúng tôi đã thấy trong thư mục. Hai tựa đầu được ghi bằng “Ar.” và “Syr.”. Đúng là quyển sách ấy rồi! Thầy William vẫn ráo riết hỏi:
- Huynh chạm vào nó mà không chết. Thế có nghĩa là không phải chạm vào sách là chết người. Huynh có thể nói gì thêm về bản tiếng Hy Lạp không? Huynh có đọc qua không?
- Đọc sơ sài thôi. Chỉ đủ để biết nó không có tựa, nó bắt đầu như thể đã thiếu một phần…
- Liber acephalus. Quyển sách thiếu đoạn đầu… Thầy William lầm thầm.
- Tôi cố đọc trang đầu, nhưng sự thật thì vốn Hy Lạp của tôi rất nghèo. Nhưng tôi rất tò mò về một chi tiết khác, cũng liên quan đến những trang viết bằng tiếng Hy Lạp ấy. Tôi không thể giở xem tất cả các trang ấy được, vì chúng – biết giải thích sao nhỉ? – âm ẩm, dính chặt vào nhau. Rất khó tách một trang này ra khỏi trang kia. Vì loại giấy da đó rất kỳ… mềm hơn các loại giấy khác, trang đầu bị hư nhũn, gần như nhăn nhúm hết. Nó, nó… Lạ lùng lắm!
- “Lạ lùng”: chính là cái từ Severinus đã dùng, - thầy William nói.
- Loại giấy da đó không giống giấy da lắm… Nó như một loại hàng lụa, nhưng rất mịn – Benno tiếp
- Charta lintes, hay giấy lụa đấy. Huynh chưa bao giờ thấy nó à?
- Tôi có nghe nói đến, nhưng chưa bao giờ trông thấy cả. Người ta bảo nó rất đắt và mỏng manh lắm, thế nên rất hiếm khi được sử dụng. Người Ả-rập làm ra loại giấy ấy phải không?
- Họ là người đầu tiên sản xuất nó. Nhưng nó cũng được sản xuất ở Ý và Fabriano. Và cũng… Trời đất, đương nhiên rồi! – Mắt thầy William sáng lên. - Thật là một tiết lộ tuyệt hay, tuyệt đẹp! Tốt cho Huynh rồi, Benno! Cảm ơn Huynh! Phải, tôi nghĩ tại thư viện đây, loại giấy charta lintes phải hiếm hoi, vì không có một bản viết cận đại nào được nhập vào cả. Ngoài ra, nhiều người sợ loại giấy lụa này không chịu nổi qua nhiều thế kỷ như loại giấy da, và có lẽ đúng thế. Hãy tưởng tượng xem, nếu ở đây họ cần một loại gì đó không trường cửu như than… thì sẽ là giấy lụa chăng? Hay lắm. Tạm biệt. Và đừng lo sợ nữa. Huynh không bị nguy hiểm đâu.
Chúng tôi rời phòng thư tịch, Benno ở lại, tuy chưa hoàn toàn an tâm, nhưng đã bình tĩnh hơn.
Tu viện trưởng đang ở nhà ăn. Thầy William đến xin thưa chuyện với Cha. Không tìm cách trì hoãn được, Cha Bề trên đành đồng ý tiếp chúng tôi một lát, tại nhà của mình.
Chú thích:
[1] I. ar. de dictis cuiusdam stulti
II. syr. libellus alchemicus aegypt
III. Expositio Magistri Alcofribae de coena beati Cypriani Cartaginensis Episcopi
IV. Liber acephalus de stupris virginum et meretricum amoribus
[2] Tu viện trưởng mất khả năng viết
[3] Firma Cautela