Chương : 47
KINH CHIỀU
Tác giả: Umberto Eco
Alinardo cung cấp những tin tức quý giá,
William bày phương pháp
đi đến một sự thật có khả năng đúng,
bằng một loạt các sai lầm hiển nhiên.
Thầy William hớn hở từ phòng thư tịch đi xuống. Trong khi đợi bữa ăn chiều, chúng tôi chợt gặp Alinardo trong nhà dòng. Nhớ lời Huynh dặn, tôi đưa cho Huynh nắm đậu kê hôm qua lấy được trong nhà bếp. Huynh cảm ơn tôi, rồi tọng một nắm đậu vào cái miệng móm sọm, nhai trệu trạo nói:
- Con thấy chứ? Cái xác kia cũng nằm đúng chỗ mà sách Mặc khải đã tiên tri… Giờ hãy đợi hồi kèn thứ tư!
Tôi hỏi, sao Huynh nghĩ rằng lời giải của chuỗi án mạng lại nằm trong sách Mặc khải? Huynh nhìn tôi kinh ngạc: - Sách của thánh John giải được mọi thứ! - Rồi Huynh nhăn mặt, chua chát nói:
- Ta biết mà, ta đã nói mãi như thế cả một thời gian dài… Ta chính là người, con biết không, đã đề nghị với Tu viện trưởng… Tu viện trưởng lúc đó kìa… thu thập càng nhiều lời bình về sách Mặc khải càng tốt. Ta sắp được làm quản thư viện… Thế rồi tên kia xoay sở sao đó được phái đi Silos, tìm ra những bản viết hay nhất, trở về với một đống của cướp được thật đẹp… Ôi, gã biết nơi tìm kiếm, gã cũng nói ngôn ngữ của bọn vô thần… Thế là Thư viện được giao vào tay hắn mà không vào tay ta. Nhưng Chúa đã trừng phạt hắn và sớm đẩy hắn vào đêm trường tối tăm. Ha ha ha…
Ông lão già nua lẩm cẩm mà tôi vẫn thấy ngây thơ như một đứa trẻ con, giờ bỗng phá lên một tràng cười hiểm ác.
Thầy William hỏi: - Huynh đang nói đến tu sĩ nào vậy?
Alinardo sững sờ nhìn chúng tôi:
- Ta đã nói đến ai à? Ta không nhớ … đã xa xưa lắm rồi. Nhưng Chúa trừng phạt, Chúa huỷ diệt, Chúa làm phai mờ ký ức. Nhiều hành động kiêu hãnh đã xảy ra trong Thư viện, đặc biệt sau khi nó lọt vào tay ngoại nhân. Chúa vẫn còn trừng phạt…
Chúng tôi không thể khai thác gì thêm ở ông lão nữa, nên bỏ đi, để lão tiếp tục lảm nhảm. Thầy William rất chú ý đến cái tin vừa rồi: - Alinardo là một người đáng lắng nghe, mỗi lần nói, lão lại cho biết một điều rất hay.
- Lần này, Huynh ấy nói gì thế?
- Adso ạ, giải quyết một điều bí ẩn không giống như dựa vào các giả thuyết ban đầu để suy luận đâu. Việc tìm kiếm trong các dữ kiện tự nhiên để phát hiện các qui luật, sự chứng minh được tiến hành hết sức gian khổ. Đương đầu với các dữ kiện không giải thích được, con phải cố hình dung ra nhiều qui luật chung, mà các mối liên hệ của chúng với các dữ kiện còn chưa nắm được. Rồi đột nhiên, trong mối liên hệ bất ngờ giữa một hệ quả, một tình huống đặc biệt và một trong các qui luật này, con chợt phát hiện ra một cách lý giải có vẻ đáng tin hơn những cách khác. Con sẽ cố ứng dụng nó vào các trường hợp tương tự, sử dụng nó để dự đoán trước và khám phá ra rằng linh cảm của mình đúng. Nhưng trước khi chung cuộc, con sẽ chẳng bao giờ biết dữ kiện nào là đúng để đưa vào hay gạt ra ngoài sự suy luận của con. Và đó chính là công việc thầy đang làm đây. Thầy sắp xếp rát nhiều các chi tiết riêng rẽ và thử đưa ra vài giả thuyết. Thầy phải đưa ra rất nhiều giả thuyết, nhiều cái ngớ ngẩn đến nỗi thầy xấu hổ chẳng dám kể cho con nghe. Con thấy đấy, trong trường hợp của chú ngựa Brunellus, khi trông thấy các dấu vết, thầy đã suy đoán ra nhiều giả thuyết bổ sung và trái ngược nhau: đó có thể là một con ngựa xổng chuồng, có thể Tu viện trưởng đã cưỡi con ngựa đẹp xuống núi, có thể con ngựa Brunellus để dấu chân trên tuyết, còn một con ngựa khác, Favellus chẳng hạn, đã vương lại vài sợi bờm trong bụi và ai đó đã làm gẫy vài nhánh cây. Thầy chẳng biết giả thuyết nào đúng cả, cho đến khi thầy thấy quản hầm và các tôi tớ lo lắng đi lùng sục con ngựa. Thế rồi thầy hiểu giả thuyết về con ngựa Brunellus là giả thuyết duy nhất đúng, và thầy cố chứng minh với các tu sĩ như vậy. Thầy đã thắng, nhưng thầy cũng có thể thua. Những người khác cho thầy là khôn ngoan vì thầy đã thắng, nhưng họ không biết những lúc thầy thua vì ngu ngốc, họ không biết vài giây trước khi thắng, thầy còn chưa biết mình có thắng không. Bây giờ, đối với những biến cố trong tu viện, thầy có nhiều giả thuyết hay, nhưng chưa có dữ kiện nào khả dĩ hiển nhiên cho phép thầy tuyên bố giả thuyết nào là đúng nhất. Do đó, để về sau khỏi lộ vẻ ngu ngốc, thầy không nhận mình khôn ngoan từ bây giờ. Đừng bắt thầy suy nghĩ nữa, tối thiểu là cho đến ngày mai.
Đến lúc đó, tôi mới hiểu được phương pháp luận của thầy tôi, nó hoàn toàn khác với phương pháp dựa trên các nguyên lý tiên nghiệm của các triết gia. Tôi hiểu, khi thầy chưa tìm được câu trả lời, thầy thường đưa ra nhiều lời giải hoàn toàn khác biệt. Lòng tôi vẫn còn hoang mang nên đánh bạo nói:
- Thế, nhưng…. thầy vẫn còn cách xa giải đáp lắm mà….
- Thầy đã đến gần một giải đáp, nhưng chưa biết cái nào.
- Như thế, thầy không có một lời đáp cho các vấn đề đặt ra.
- Adso ạ, giá có, thầy sẽ đi dạy thần học ở Paris.
- Ở Paris, lúc nào cũng có lời giải đáp đúng đắn ư?
- Không bao giờ, họ biết rất rõ về những sai lầm của mình
Tôi hỏi với giọng gắt gỏng trẻ con: - Thế thầy không bao giờ phạm sai lầm à?
- Thường chứ. Nhưng thay vì nghĩ ra một, thầy lại tưởng tượng thêm nhiều, thế nên thầy không làm nô lệ cho cái nào cả.
Tôi có cảm giác thầy William không hề chú tâm đến sự thật, một điều không có ý nghĩa gì ngoài sự điều chỉnh giữa sự vật và tri thức. Ngược lại, thầy thích thú tưởng tượng xem có bao nhiêu khả năng có thể thực hiện được.
Tôi thú thực, lúc đó, tôi đâm chán ngán ông thầy của tôi và thầm nghĩ “May quá, phán quan đã đến”. Khao khát muốn tìm hiểu sự thật, tôi ngả về phe Bernard Gui.
Bị giằng xé trong tâm trạng phạm tội này còn hơn cả Judas bán Chúa trong đêm thứ năm tuần Thánh, tôi cùng với thầy William đến nhà ăn dùng bữa tối.
Tác giả: Umberto Eco
Alinardo cung cấp những tin tức quý giá,
William bày phương pháp
đi đến một sự thật có khả năng đúng,
bằng một loạt các sai lầm hiển nhiên.
Thầy William hớn hở từ phòng thư tịch đi xuống. Trong khi đợi bữa ăn chiều, chúng tôi chợt gặp Alinardo trong nhà dòng. Nhớ lời Huynh dặn, tôi đưa cho Huynh nắm đậu kê hôm qua lấy được trong nhà bếp. Huynh cảm ơn tôi, rồi tọng một nắm đậu vào cái miệng móm sọm, nhai trệu trạo nói:
- Con thấy chứ? Cái xác kia cũng nằm đúng chỗ mà sách Mặc khải đã tiên tri… Giờ hãy đợi hồi kèn thứ tư!
Tôi hỏi, sao Huynh nghĩ rằng lời giải của chuỗi án mạng lại nằm trong sách Mặc khải? Huynh nhìn tôi kinh ngạc: - Sách của thánh John giải được mọi thứ! - Rồi Huynh nhăn mặt, chua chát nói:
- Ta biết mà, ta đã nói mãi như thế cả một thời gian dài… Ta chính là người, con biết không, đã đề nghị với Tu viện trưởng… Tu viện trưởng lúc đó kìa… thu thập càng nhiều lời bình về sách Mặc khải càng tốt. Ta sắp được làm quản thư viện… Thế rồi tên kia xoay sở sao đó được phái đi Silos, tìm ra những bản viết hay nhất, trở về với một đống của cướp được thật đẹp… Ôi, gã biết nơi tìm kiếm, gã cũng nói ngôn ngữ của bọn vô thần… Thế là Thư viện được giao vào tay hắn mà không vào tay ta. Nhưng Chúa đã trừng phạt hắn và sớm đẩy hắn vào đêm trường tối tăm. Ha ha ha…
Ông lão già nua lẩm cẩm mà tôi vẫn thấy ngây thơ như một đứa trẻ con, giờ bỗng phá lên một tràng cười hiểm ác.
Thầy William hỏi: - Huynh đang nói đến tu sĩ nào vậy?
Alinardo sững sờ nhìn chúng tôi:
- Ta đã nói đến ai à? Ta không nhớ … đã xa xưa lắm rồi. Nhưng Chúa trừng phạt, Chúa huỷ diệt, Chúa làm phai mờ ký ức. Nhiều hành động kiêu hãnh đã xảy ra trong Thư viện, đặc biệt sau khi nó lọt vào tay ngoại nhân. Chúa vẫn còn trừng phạt…
Chúng tôi không thể khai thác gì thêm ở ông lão nữa, nên bỏ đi, để lão tiếp tục lảm nhảm. Thầy William rất chú ý đến cái tin vừa rồi: - Alinardo là một người đáng lắng nghe, mỗi lần nói, lão lại cho biết một điều rất hay.
- Lần này, Huynh ấy nói gì thế?
- Adso ạ, giải quyết một điều bí ẩn không giống như dựa vào các giả thuyết ban đầu để suy luận đâu. Việc tìm kiếm trong các dữ kiện tự nhiên để phát hiện các qui luật, sự chứng minh được tiến hành hết sức gian khổ. Đương đầu với các dữ kiện không giải thích được, con phải cố hình dung ra nhiều qui luật chung, mà các mối liên hệ của chúng với các dữ kiện còn chưa nắm được. Rồi đột nhiên, trong mối liên hệ bất ngờ giữa một hệ quả, một tình huống đặc biệt và một trong các qui luật này, con chợt phát hiện ra một cách lý giải có vẻ đáng tin hơn những cách khác. Con sẽ cố ứng dụng nó vào các trường hợp tương tự, sử dụng nó để dự đoán trước và khám phá ra rằng linh cảm của mình đúng. Nhưng trước khi chung cuộc, con sẽ chẳng bao giờ biết dữ kiện nào là đúng để đưa vào hay gạt ra ngoài sự suy luận của con. Và đó chính là công việc thầy đang làm đây. Thầy sắp xếp rát nhiều các chi tiết riêng rẽ và thử đưa ra vài giả thuyết. Thầy phải đưa ra rất nhiều giả thuyết, nhiều cái ngớ ngẩn đến nỗi thầy xấu hổ chẳng dám kể cho con nghe. Con thấy đấy, trong trường hợp của chú ngựa Brunellus, khi trông thấy các dấu vết, thầy đã suy đoán ra nhiều giả thuyết bổ sung và trái ngược nhau: đó có thể là một con ngựa xổng chuồng, có thể Tu viện trưởng đã cưỡi con ngựa đẹp xuống núi, có thể con ngựa Brunellus để dấu chân trên tuyết, còn một con ngựa khác, Favellus chẳng hạn, đã vương lại vài sợi bờm trong bụi và ai đó đã làm gẫy vài nhánh cây. Thầy chẳng biết giả thuyết nào đúng cả, cho đến khi thầy thấy quản hầm và các tôi tớ lo lắng đi lùng sục con ngựa. Thế rồi thầy hiểu giả thuyết về con ngựa Brunellus là giả thuyết duy nhất đúng, và thầy cố chứng minh với các tu sĩ như vậy. Thầy đã thắng, nhưng thầy cũng có thể thua. Những người khác cho thầy là khôn ngoan vì thầy đã thắng, nhưng họ không biết những lúc thầy thua vì ngu ngốc, họ không biết vài giây trước khi thắng, thầy còn chưa biết mình có thắng không. Bây giờ, đối với những biến cố trong tu viện, thầy có nhiều giả thuyết hay, nhưng chưa có dữ kiện nào khả dĩ hiển nhiên cho phép thầy tuyên bố giả thuyết nào là đúng nhất. Do đó, để về sau khỏi lộ vẻ ngu ngốc, thầy không nhận mình khôn ngoan từ bây giờ. Đừng bắt thầy suy nghĩ nữa, tối thiểu là cho đến ngày mai.
Đến lúc đó, tôi mới hiểu được phương pháp luận của thầy tôi, nó hoàn toàn khác với phương pháp dựa trên các nguyên lý tiên nghiệm của các triết gia. Tôi hiểu, khi thầy chưa tìm được câu trả lời, thầy thường đưa ra nhiều lời giải hoàn toàn khác biệt. Lòng tôi vẫn còn hoang mang nên đánh bạo nói:
- Thế, nhưng…. thầy vẫn còn cách xa giải đáp lắm mà….
- Thầy đã đến gần một giải đáp, nhưng chưa biết cái nào.
- Như thế, thầy không có một lời đáp cho các vấn đề đặt ra.
- Adso ạ, giá có, thầy sẽ đi dạy thần học ở Paris.
- Ở Paris, lúc nào cũng có lời giải đáp đúng đắn ư?
- Không bao giờ, họ biết rất rõ về những sai lầm của mình
Tôi hỏi với giọng gắt gỏng trẻ con: - Thế thầy không bao giờ phạm sai lầm à?
- Thường chứ. Nhưng thay vì nghĩ ra một, thầy lại tưởng tượng thêm nhiều, thế nên thầy không làm nô lệ cho cái nào cả.
Tôi có cảm giác thầy William không hề chú tâm đến sự thật, một điều không có ý nghĩa gì ngoài sự điều chỉnh giữa sự vật và tri thức. Ngược lại, thầy thích thú tưởng tượng xem có bao nhiêu khả năng có thể thực hiện được.
Tôi thú thực, lúc đó, tôi đâm chán ngán ông thầy của tôi và thầm nghĩ “May quá, phán quan đã đến”. Khao khát muốn tìm hiểu sự thật, tôi ngả về phe Bernard Gui.
Bị giằng xé trong tâm trạng phạm tội này còn hơn cả Judas bán Chúa trong đêm thứ năm tuần Thánh, tôi cùng với thầy William đến nhà ăn dùng bữa tối.