Chương : 62
phần viết thêm (1)
Chép từ băng ghi âm lời tâm sự của Đăng (tâm sự với ai thì không biết ;;) )
Bố tôi là chuyên gia đầu ngành về môi trường của Việt Nam. Tôi mơ ước được theo nghiệp ông. 18 tuổi, tôi thi vào ngành Công nghệ Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, thiếu 1 điểm. Năm đó, bố tôi mới được đề bạt lên chức vụ cao hơn, thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo lẽ thường, nếu bạn có bố là thứ trưởng, số điểm thiếu đó chẳng ngăn cản bạn nhập học. Nhưng bố tôi không hành xử theo lẽ thường, tôi cũng không hy vọng ông làm vậy. Tôi vào học một ngành khối D, khối mà tôi chỉ thi thêm theo lời rủ rê của lũ bạn nhưng lại có kết quả cao bất ngờ. Suốt năm thứ nhất, tôi học cầm chừng, mong chờ kỳ thi đại học năm sau.
19 tuổi, tôi thi lại. Lần này, kết quả còn kém hơn, tôi thiếu 1,5 điểm. Đúng trong khoảng thời gian cực kỳ thất vọng và tự ti vì bản thân, tôi gặp Điệp. Điệp học trên tôi một khoá, cả thành tích học tập và hoạt động đoàn thể đều vượt trội, là ngôi sao sáng trong trường. Sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo của một tỉnh mãi đến gần đây vẫn còn hàng trăm ngàn người thiếu đói, Điệp có vẻ xốc vác đầy tích cực, luôn cố gắng hết mình, luôn tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống. Chính tinh thần vươn lên quyết liệt đó đã khiến tôi bị hút vào Điệp. Tôi chấp nhận sự thật rằng mình không có duyên với nghề của bố và bước vào năm thứ hai với một thái độ khác hẳn. Kết quả học tập của tôi ngày một tốt hơn. Từ chỗ chỉ cố lấy điểm giỏi để gây ấn tượng với Điệp, tôi đã tìm thấy niềm vui thực sự trong việc học, những môn chuyên ngành càng lúc càng lúc càng khiến tôi hứng thú, hơn cả Điệp.
20 tuổi, tôi tham gia chuyến đi tình nguyện đầu tiên. Điệp cũng đi nhưng được phân công về một xã khác cách khá xa chỗ tôi. Khi đó, thông tin liên lạc còn khó khăn, điện thoại di động còn là thứ gì đó tương đối xa xỉ, nhất là với sinh viên ngoại tỉnh như Điệp. Suốt hai tuần chúng tôi chỉ biết tin tức của nhau nhớ những lời nhắn gửi ít ỏi qua người này người kia, cảm giác nhớ nhung cứ dồn nén từng chút, từng chút một. Có lẽ vì cảm giác ấy, cũng có thể vì những cảm xúc khó diễn tả nổi lên giữa khung cảnh khác lạ của rừng núi, khi gặp lại nhau trong đêm cuối chuyến đi, tôi và Điệp đã vượt qua giới hạn “yêu nhau trong sáng”. Trở về Hà Nội, tôi muốn giới thiệu Điệp với bố mẹ nhưng Điệp từ chối, bảo là chưa chuẩn bị sẵn sàng. Mặc dù vậy, tôi vẫn bắt đầu suy nghĩ về tương lai, không hay biết rằng Điệp đã có những tính toán riêng.
21 tuổi, tôi bắt gặp Điệp vào nhà nghỉ với một giảng viên trong trường. Trước sự phẫn nộ có phần ngây thơ của tôi và trước ánh mắt coi thường đầy giễu cợt của người mà tôi gọi là thầy, Điệp đã nói một cách khéo léo nhưng cũng rất thản nhiên, thẳng thắn rằng tôi chỉ là một trong những lựa chọn mà Điệp “cân nhắc vì tương lai”, rằng Điệp không tin gia đình tôi có thể “đỡ đần” cho Điệp trong cuộc sống sau này. Tôi nghe Điệp nói, bên cạnh sự hụt hẫng, thất vọng còn có cảm giác chua chát, mỉa mai. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được thói quen keep low profile của mình lại dẫn đến kết quả như vậy. Con trai một ông thứ trưởng bị người yêu đá vì sợ gia đình ông không lo được hộ khẩu Hà Nội, công việc và nhà riêng cho con dâu. Tôi chia tay mối tình đầu, tự làm mình nguôi ngoai bằng những con số càng lúc càng đẹp trong bảng điểm.
22 tuổi, tôi tham gia chuyến tình nguyện cuối cùng trong đời sinh viên và gặp Quỳnh. Giữa Quỳnh và Điệp có một vài điểm tương đồng mơ hồ nào đó mà tôi không thể gọi ra, chỉ cảm thấy thật mâu thuẫn. Một mặt, tôi muốn tránh Quỳnh, như kẻ mới ngã xe nhăm nhăm muốn tránh đoạn đường lắm ổ gà. Mặt khác, tôi lại bị dáng vẻ và cách cư xử không giống ai của Quỳnh thu hút. Quỳnh không xinh, không dịu dàng, cũng không biết những tiểu xảo khéo léo rất riêng của con gái để khiến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt con trai, vậy mà không hiểu sao tôi luôn bắt gặp mình dõi theo từng hành động của Quỳnh.
Mãi sau này, tôi mới hiểu, ở Quỳnh có một điểm rất giống nhưng cũng rất khác Điệp, đó là sự quan tâm chăm sóc đối với những người xung quanh. Điệp quan tâm chăm sóc người khác cực kỳ nhiệt tình và chu đáo, nhưng Điệp chỉ làm khi người ấy, hoặc chính hành động quan tâm ấy, chắc chắn sẽ đem lại ích lợi nào đó cho Điệp. Còn Quỳnh thì quan tâm chăm sóc chỉ vì muốn làm vậy, thấy nên làm vậy, chẳng để ý gì nhiều đến chuyện có được đáp lại hay không.
Nhưng đó là những suy nghĩ khi tôi đã có nhiều kinh nghiệm sống hơn và có dịp quan sát cả hai người; còn khi ấy, suốt nửa tháng tình nguyện, tôi thực sự không biết mình nên làm gì để không để ý đến Quỳnh và không còn nghĩ ngợi về những kỷ niệm tình yêu với Điệp. Tôi tập trung vào những công việc tình nguyện, tự nhủ rằng chỉ cần kết thúc chuyến đi, quay về Hà Nội là mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng một loạt những thứ ngẫu nhiên xảy đến vào hôm cuối cùng ở bản đã khiến mọi cố gắng của tôi trở nên vô nghĩa. Nếu như thầy trưởng đoàn không xuất hiện đúng lúc, có lẽ tôi sẽ không chỉ chiếm đoạt nụ hôn đầu tiên của Quỳnh. phần viết thêm (2)
Vẫn chép từ băng ghi âm lời tâm sự của Đăng
Nụ hôn đến từ một khoảnh khắc không lý trí ấy thực sự là một bước ngoặt trên đường đời, với cả tôi và Quỳnh. Về phía tôi, nó là lý do duy nhất khiến tôi quyết định không ở lại trường làm giảng viên. Dù thầy trưởng đoàn không báo cáo sự việc đêm đó lên khoa cũng như lên nhà trường mà chỉ yêu cầu tôi tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tôi vẫn chủ động đưa bản tường trình, tự nhận hình thức kỷ luật treo bằng một năm và từ bỏ công việc mà suốt vài tháng trước đó tôi đã chuẩn bị kỹ để đảm đương. Nhờ thành tích học tập cũng như hoạt động đoàn thể tốt, cộng thêm một chút may mắn, tôi trúng tuyển ngay trong lần xin việc đầu tiên, trở thành nhân viên của HDA – một tổ chức phi chính phủ lớn với nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam.
Mức lương cao, những đồng sự đủ mọi quốc tịch, những dự án mang mục đích tốt đẹp, những chuyến đi liên miên qua hết tỉnh miền núi này đến tỉnh duyên hải khác… cứ cuốn tôi đi. Tôi dần quên Điệp, quên những người bạn chung, quên cảm giác của những lần làm tình vụng trộm vội vã, quên cả cảm giác thất vọng và mỉa mai vốn đâm rễ trong lòng từ khi chia tay Điệp. Nhưng thật lạ, tôi không quên Quỳnh. Có lúc, thường là vào đêm khuya ở một nơi nào đó rất xa Hà Nội, tôi nhớ cặp mắt mở to hoang mang và đôi môi mềm mặn của Quỳnh trong nụ hôn không thể gọi là nhẹ nhàng hời hợt kia, tự hỏi Quỳnh giờ ra sao.
Cuối năm sau, khi quay lại trường lấy bằng, tôi dò hỏi về Quỳnh và được biết là Quỳnh đã chuyển trường, đi du học hay vào Sài Gòn gì đó, chẳng ai nói chắc chắn. Tôi nghe chuyện nhưng không hề liên hệ việc Quỳnh chuyển trường và nụ hôn bị bắt gặp của chúng tôi, nói đúng hơn là có nghĩ tới nhưng lại gạt ngay đi vì cho rằng ngoài thầy trưởng đoàn, cô chủ nhiệm khoa, Quỳnh và chính tôi, không còn ai biết về sự kiện ngắn ngủi đêm ấy nữa. Tôi tiếp tục quăng mình vào những dự án ở HDA, những chuyến đi ngày một dài hơn, đến những vùng đất ngày một xa hơn. Tôi hầu như không còn thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về bất cứ điều gì ngoài công việc. Trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi thoáng nhìn lại những ngày hè cuối cùng của đời sinh viên, tôi thậm chí còn thấy thanh thản và tự hào vì mình đã hành xử thật đàng hoàng, có trách nhiệm. Tôi không biết rằng hành động tôi vẫn cho là hết sức đúng đắn ấy đã đẩy Quỳnh vào một bi kịch với những vết thương có lẽ không bao giờ bình phục.
Tất cả dần hé lộ một cách thật tình cờ khi tôi vừa thôi việc ở HDA, sang làm quyền trưởng nhóm tin quốc tế tại một tờ báo điện tử. So với công việc thứ nhất của tôi, công việc thứ hai này quả thực nhàn đến trì trệ. Nhờ một đồng sự cũ giới thiệu, tôi đi dịch cho mấy đoàn làm phim tài liệu hay phóng sự của đài truyền hình nước ngoài để giết thời gian. Một lần, khi theo đoàn đến quay ở nhà riêng của một chuyên gia Hán Nôm, tôi bắt gặp bức ảnh chụp một cô gái trẻ có gương mặt quen quen trên bàn thờ. Tôi ngờ ngợ nhưng cũng không có ý định mở lời hỏi về một điều chẳng vui vẻ gì như vậy. Tuy nhiên, trong lúc đoàn làm phim thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về, vợ chồng vị chuyên gia Hán Nôm nọ lại hỏi tôi học trường nào ra. Và chỉ bằng một câu trả lời đơn giản theo phép lịch sự, tôi đã khơi lại một câu chuyện, đau thương đấy, nhưng cũng hết sức trớ trêu hoặc vớ vẩn hoặc nực cười… tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả cho chính xác.
Nhân vật chính trong câu chuyện là Phương – người con gái trong bức ảnh trên bàn thờ, cũng là cô bé hay e thẹn nhất trong đoàn tình nguyện mà tôi phụ trách hơn hai năm trước. Còn nhân vật phản diện trong câu chuyện là Quỳnh – người đã lợi dụng sự tin tưởng để cướp bạn trai của Phương, khiến Phương nghĩ quẩn và tự tử. Tôi lắng nghe lời kể nặng nề, thậm chí có phần cay nghiệt của họ, cảm thấy không thể tin được. Việc Phương qua đời khi mới trở về Hà Nội không lâu sau chuyến tình nguyện và việc bố mẹ Phương hoàn toàn chỉ biết người “bạn trai” kia qua lá thư tuyệt mệnh của con gái họ khiến tôi hoài nghi về sự liên quan của chính tôi trong bi kịch này. Tôi quyết định tìm hiểu mọi chuyện.
Việc tìm hiểu chẳng dễ dàng gì. Tôi không thể nghỉ làm, cũng không dám quay lại nhà Phương (tôi vừa không dám khoét sâu vào nỗi đau mất con của bố mẹ Phương, vừa sợ rằng họ sẽ sinh nghi và suy diễn, phản ứng theo hướng tiêu cực hơn nữa), chỉ tranh thủ từng nửa buổi rảnh rỗi một để về trường và đến các nơi liên quan khác. Ban đầu, tôi thấy mình giống kẻ cắm đầu phi xe vào ngõ cụt. Không ai biết tường tận, không ai nhớ rõ, không ai muốn kể lại, không ai muốn đào xới, lật giở. Sau vài tháng loanh quanh mà không có tiến triển, tôi đành cầu cứu bố tôi. Cũng thật kỳ lạ, suốt mấy năm đi học rồi đi làm, tôi chưa hề mở miệng nhờ vả ông chuyện gì, lần đầu tiên quyết định mượn oai cậy thế bố lại là vì một mối ràng buộc mong manh mà ngay cả tôi cũng không biết phải định nghĩa thế nào.
Có bố tôi can thiệp, mọi thứ nhanh chóng sáng tỏ, tôi chắp nối tất cả thành một câu chuyện hoàn chỉnh rồi nhận ra rằng mình đã vô tình phạm những sai lầm liên tiếp, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, khó có thể vãn hồi. Tôi đã không đủ tinh ý để biết là Phương thích mình, cũng không đủ lý trí để giữ khoảng cách với Quỳnh đến cùng. Tôi không đủ tỉnh táo để suy luận một chuyện cực kỳ hiển nhiên là ngoài thầy trưởng đoàn hẳn phải có ai đó nữa biết về nụ hôn giữa tôi và Quỳnh. Tôi cũng chẳng đủ thông minh để hiểu rằng việc mình đùng đùng từ bỏ công việc chờ sẵn ở trường sẽ tạo ra vô số những lời đồn đoán mà người con gái ở phía đối diện tôi trong nụ hôn dại dột kia sẽ phải gánh chịu. Với tất cả sự day dứt bất an, tôi bắt đầu điên cuồng tìm kiếm… phần viết thêm (3 – hết)
Ngoài một cái tên và một gương mặt trong trí nhớ, tôi không có một manh mối nào đáng tin cậy để vin vào. Suốt nửa năm trời, tôi lần theo đủ các hướng suy luận, mò mẫm bắt liên lạc với từng trường đại học khu vực phía Nam, hỏi han thông tin về du học sinh từ đủ các mối quan hệ thân sơ, nhưng tất cả mọi nỗ lực đều dẫn đến một kết quả là không kết quả. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông xuôi nhưng tâm trí cũng bắt đầu lởn vởn những ý tưởng tiêu cực. Một mặt, tôi lo rằng nỗi day dứt của mình chỉ là thừa thãi, rằng Quỳnh thực ra chẳng bị ảnh hưởng chút gì từ chuỗi sự kiện kia và đang yên ổn vui vẻ trong môi trường mới. Mặt khác, tôi lại sợ Quỳnh đã bị những lời đồn, lời phán xét ác ý dồn ép đến mức nghĩ quẩn như Phương rồi lặng lẽ buông tay khỏi thế gian. Đủ mọi suy đoán cứ giằng co trong đầu khiến tôi càng ngày càng thấy mình thiếu tỉnh táo, dễ nổi nóng.
Mẹ tôi có lẽ không phải người duy nhất nhận ra những biểu hiện chỉ kém bệnh tâm thần một chút của tôi, nhưng bà là người duy nhất dám nói thẳng với tôi về điều đó và ép tôi phải thay đổi. Theo yêu cầu của bà, tôi theo học lớp thư pháp nghiệp dư ở một ngôi chùa gần nhà và nhận nuôi một con chó bị tật. Nhờ hai hoạt động chẳng liên quan gì đến nhau ấy, tôi dần tìm lại được sự bình tĩnh. Tôi vẫn cố gắng nghe ngóng tin tức về Quỳnh và vẫn nhận được những kết quả là con số không tròn trĩnh nhưng không cho phép cảm giác thất vọng trước kết quả ấy dẫn dắt cảm xúc của mình nữa mà chỉ nghĩ đơn giản rằng duyên của chúng tôi có lẽ chưa đủ sâu để gặp lại.
Rồi cũng đến lúc cuộc đời cảm thấy đánh đố trêu cợt tôi như vậy là đủ. Sau gần bốn năm, tôi nghe cái tên quen thuộc mà mình vẫn tìm kiếm lâu nay vang lên ở một nơi cũng rất quen thuộc, ngôi chùa nơi tôi học thư pháp.
Đó là một buổi chiều Chủ nhật đầu mùa hè, trời đã hơi oi bức, lớp học thư pháp vừa tan, bố mẹ đi vắng nên tôi không về nhà ngay mà nán lại, ngồi ở bờ hồ phía sau chùa hóng mát. Cách chỗ tôi một quãng, thầy giáo dạy thư pháp của tôi đang trò chuyện với sư trụ trì và sư muội của thầy, một thư pháp gia nữ còn khá trẻ, người thỉnh thoảng vẫn qua chùa để tặng sách vở quần áo cho nhóm trẻ mồ côi mà trụ trì nhận nuôi. Tôi có chào hỏi xã giao vài lần nhưng cũng không rõ nghề chính của chị là gì. Ba người đang trò chuyện thì chị có điện thoại nên tránh ra gần phía tôi đang ngồi để nhận cuộc gọi. Tôi nghe tiếng được tiếng mất thì biết là chị làm giảng viên đại học, còn người gọi đến đang phải chỉnh sửa sai sót gì đó về điểm thi của môn chị dạy. Nội dung cuộc nói chuyện làm tôi nhớ về công việc mà mình suýt làm và cảm thấy không thoải mái. Đúng lúc tôi đứng lên định đi về thì nghe thấy chị đọc ra mấy cái tên sinh viên, trong đó có một cái tên không phải thật kêu nhưng cũng không quá phổ biến – “Phạm Thuỷ Quỳnh”. Và tôi cứ đứng sững sờ tại chỗ.
Phải ngập ngừng mất vài hôm, tôi mới dám liên lạc với chị Thư – sư muội của thầy giáo, kể cho chị nghe về chuyện xảy ra bốn năm trước. Chị đã dành thời gian lắng nghe toàn bộ những gì tôi thu thập, suy đoán, với một thái độ điềm tĩnh và cảm thông hiếm gặp. Chị cũng nói cho tôi tất cả những gì chị biết về cô sinh viên tên Quỳnh của chị. Cô gái ấy không phải là một người xinh đẹp hay xuất sắc nổi bật nên cũng không gây ấn tượng đặc biệt cho chị – một giảng viên môn phụ – và vì thế nên thông tin vô cùng ít ỏi. Tôi không thể xác định đó có phải là Quỳnh mà tôi đang tìm hay không. Đúng lúc đó, toà soạn mở đợt tuyển dụng, tôi bỗng vớ được một lý do vô cùng chính đáng để gặp và xác định xem Quỳnh – sinh viên vừa tốt nghiệp của chị Thư – có phải cũng là Quỳnh trong ký ức của tôi hay không. Sau đó thì tất cả diễn ra như bạn đã biết…
Giờ đây, tôi và Quỳnh yêu nhau. Cuộc đời Quỳnh đã lật sang một trang khác, cuộc đời tôi cũng vậy. Rồi đây, sẽ còn rất nhiều trang của cuộc đời được lật giở. Tôi không biết chúng tôi có thể nắm tay nhau đến tận khi chữ “the end” xuất hiện hay không. Có thể rồi đây Quỳnh cũng sẽ giống như Điệp, một ngày kia nhận ra tôi không phải Mr. Right của em. Có thể rồi đây chúng tôi cũng sẽ giống như muôn vàn đôi tình nhân khác, chia tay vì những thứ hết sức vụn vặt tầm thường. Có thể rồi đây lại một biến cố trớ trêu khác khiến chúng tôi một lần nữa lạc mất nhau trên đường đời. Chẳng sao cả! Điều quan trọng là chúng tôi, Quỳnh, tôi và Tin Tốc, đang ở bên nhau, giây này, phút này…
Chép từ băng ghi âm lời tâm sự của Đăng (tâm sự với ai thì không biết ;;) )
Bố tôi là chuyên gia đầu ngành về môi trường của Việt Nam. Tôi mơ ước được theo nghiệp ông. 18 tuổi, tôi thi vào ngành Công nghệ Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, thiếu 1 điểm. Năm đó, bố tôi mới được đề bạt lên chức vụ cao hơn, thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo lẽ thường, nếu bạn có bố là thứ trưởng, số điểm thiếu đó chẳng ngăn cản bạn nhập học. Nhưng bố tôi không hành xử theo lẽ thường, tôi cũng không hy vọng ông làm vậy. Tôi vào học một ngành khối D, khối mà tôi chỉ thi thêm theo lời rủ rê của lũ bạn nhưng lại có kết quả cao bất ngờ. Suốt năm thứ nhất, tôi học cầm chừng, mong chờ kỳ thi đại học năm sau.
19 tuổi, tôi thi lại. Lần này, kết quả còn kém hơn, tôi thiếu 1,5 điểm. Đúng trong khoảng thời gian cực kỳ thất vọng và tự ti vì bản thân, tôi gặp Điệp. Điệp học trên tôi một khoá, cả thành tích học tập và hoạt động đoàn thể đều vượt trội, là ngôi sao sáng trong trường. Sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo của một tỉnh mãi đến gần đây vẫn còn hàng trăm ngàn người thiếu đói, Điệp có vẻ xốc vác đầy tích cực, luôn cố gắng hết mình, luôn tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống. Chính tinh thần vươn lên quyết liệt đó đã khiến tôi bị hút vào Điệp. Tôi chấp nhận sự thật rằng mình không có duyên với nghề của bố và bước vào năm thứ hai với một thái độ khác hẳn. Kết quả học tập của tôi ngày một tốt hơn. Từ chỗ chỉ cố lấy điểm giỏi để gây ấn tượng với Điệp, tôi đã tìm thấy niềm vui thực sự trong việc học, những môn chuyên ngành càng lúc càng lúc càng khiến tôi hứng thú, hơn cả Điệp.
20 tuổi, tôi tham gia chuyến đi tình nguyện đầu tiên. Điệp cũng đi nhưng được phân công về một xã khác cách khá xa chỗ tôi. Khi đó, thông tin liên lạc còn khó khăn, điện thoại di động còn là thứ gì đó tương đối xa xỉ, nhất là với sinh viên ngoại tỉnh như Điệp. Suốt hai tuần chúng tôi chỉ biết tin tức của nhau nhớ những lời nhắn gửi ít ỏi qua người này người kia, cảm giác nhớ nhung cứ dồn nén từng chút, từng chút một. Có lẽ vì cảm giác ấy, cũng có thể vì những cảm xúc khó diễn tả nổi lên giữa khung cảnh khác lạ của rừng núi, khi gặp lại nhau trong đêm cuối chuyến đi, tôi và Điệp đã vượt qua giới hạn “yêu nhau trong sáng”. Trở về Hà Nội, tôi muốn giới thiệu Điệp với bố mẹ nhưng Điệp từ chối, bảo là chưa chuẩn bị sẵn sàng. Mặc dù vậy, tôi vẫn bắt đầu suy nghĩ về tương lai, không hay biết rằng Điệp đã có những tính toán riêng.
21 tuổi, tôi bắt gặp Điệp vào nhà nghỉ với một giảng viên trong trường. Trước sự phẫn nộ có phần ngây thơ của tôi và trước ánh mắt coi thường đầy giễu cợt của người mà tôi gọi là thầy, Điệp đã nói một cách khéo léo nhưng cũng rất thản nhiên, thẳng thắn rằng tôi chỉ là một trong những lựa chọn mà Điệp “cân nhắc vì tương lai”, rằng Điệp không tin gia đình tôi có thể “đỡ đần” cho Điệp trong cuộc sống sau này. Tôi nghe Điệp nói, bên cạnh sự hụt hẫng, thất vọng còn có cảm giác chua chát, mỉa mai. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được thói quen keep low profile của mình lại dẫn đến kết quả như vậy. Con trai một ông thứ trưởng bị người yêu đá vì sợ gia đình ông không lo được hộ khẩu Hà Nội, công việc và nhà riêng cho con dâu. Tôi chia tay mối tình đầu, tự làm mình nguôi ngoai bằng những con số càng lúc càng đẹp trong bảng điểm.
22 tuổi, tôi tham gia chuyến tình nguyện cuối cùng trong đời sinh viên và gặp Quỳnh. Giữa Quỳnh và Điệp có một vài điểm tương đồng mơ hồ nào đó mà tôi không thể gọi ra, chỉ cảm thấy thật mâu thuẫn. Một mặt, tôi muốn tránh Quỳnh, như kẻ mới ngã xe nhăm nhăm muốn tránh đoạn đường lắm ổ gà. Mặt khác, tôi lại bị dáng vẻ và cách cư xử không giống ai của Quỳnh thu hút. Quỳnh không xinh, không dịu dàng, cũng không biết những tiểu xảo khéo léo rất riêng của con gái để khiến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt con trai, vậy mà không hiểu sao tôi luôn bắt gặp mình dõi theo từng hành động của Quỳnh.
Mãi sau này, tôi mới hiểu, ở Quỳnh có một điểm rất giống nhưng cũng rất khác Điệp, đó là sự quan tâm chăm sóc đối với những người xung quanh. Điệp quan tâm chăm sóc người khác cực kỳ nhiệt tình và chu đáo, nhưng Điệp chỉ làm khi người ấy, hoặc chính hành động quan tâm ấy, chắc chắn sẽ đem lại ích lợi nào đó cho Điệp. Còn Quỳnh thì quan tâm chăm sóc chỉ vì muốn làm vậy, thấy nên làm vậy, chẳng để ý gì nhiều đến chuyện có được đáp lại hay không.
Nhưng đó là những suy nghĩ khi tôi đã có nhiều kinh nghiệm sống hơn và có dịp quan sát cả hai người; còn khi ấy, suốt nửa tháng tình nguyện, tôi thực sự không biết mình nên làm gì để không để ý đến Quỳnh và không còn nghĩ ngợi về những kỷ niệm tình yêu với Điệp. Tôi tập trung vào những công việc tình nguyện, tự nhủ rằng chỉ cần kết thúc chuyến đi, quay về Hà Nội là mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng một loạt những thứ ngẫu nhiên xảy đến vào hôm cuối cùng ở bản đã khiến mọi cố gắng của tôi trở nên vô nghĩa. Nếu như thầy trưởng đoàn không xuất hiện đúng lúc, có lẽ tôi sẽ không chỉ chiếm đoạt nụ hôn đầu tiên của Quỳnh. phần viết thêm (2)
Vẫn chép từ băng ghi âm lời tâm sự của Đăng
Nụ hôn đến từ một khoảnh khắc không lý trí ấy thực sự là một bước ngoặt trên đường đời, với cả tôi và Quỳnh. Về phía tôi, nó là lý do duy nhất khiến tôi quyết định không ở lại trường làm giảng viên. Dù thầy trưởng đoàn không báo cáo sự việc đêm đó lên khoa cũng như lên nhà trường mà chỉ yêu cầu tôi tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tôi vẫn chủ động đưa bản tường trình, tự nhận hình thức kỷ luật treo bằng một năm và từ bỏ công việc mà suốt vài tháng trước đó tôi đã chuẩn bị kỹ để đảm đương. Nhờ thành tích học tập cũng như hoạt động đoàn thể tốt, cộng thêm một chút may mắn, tôi trúng tuyển ngay trong lần xin việc đầu tiên, trở thành nhân viên của HDA – một tổ chức phi chính phủ lớn với nhiều dự án trải dài từ Bắc vào Nam.
Mức lương cao, những đồng sự đủ mọi quốc tịch, những dự án mang mục đích tốt đẹp, những chuyến đi liên miên qua hết tỉnh miền núi này đến tỉnh duyên hải khác… cứ cuốn tôi đi. Tôi dần quên Điệp, quên những người bạn chung, quên cảm giác của những lần làm tình vụng trộm vội vã, quên cả cảm giác thất vọng và mỉa mai vốn đâm rễ trong lòng từ khi chia tay Điệp. Nhưng thật lạ, tôi không quên Quỳnh. Có lúc, thường là vào đêm khuya ở một nơi nào đó rất xa Hà Nội, tôi nhớ cặp mắt mở to hoang mang và đôi môi mềm mặn của Quỳnh trong nụ hôn không thể gọi là nhẹ nhàng hời hợt kia, tự hỏi Quỳnh giờ ra sao.
Cuối năm sau, khi quay lại trường lấy bằng, tôi dò hỏi về Quỳnh và được biết là Quỳnh đã chuyển trường, đi du học hay vào Sài Gòn gì đó, chẳng ai nói chắc chắn. Tôi nghe chuyện nhưng không hề liên hệ việc Quỳnh chuyển trường và nụ hôn bị bắt gặp của chúng tôi, nói đúng hơn là có nghĩ tới nhưng lại gạt ngay đi vì cho rằng ngoài thầy trưởng đoàn, cô chủ nhiệm khoa, Quỳnh và chính tôi, không còn ai biết về sự kiện ngắn ngủi đêm ấy nữa. Tôi tiếp tục quăng mình vào những dự án ở HDA, những chuyến đi ngày một dài hơn, đến những vùng đất ngày một xa hơn. Tôi hầu như không còn thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về bất cứ điều gì ngoài công việc. Trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi thoáng nhìn lại những ngày hè cuối cùng của đời sinh viên, tôi thậm chí còn thấy thanh thản và tự hào vì mình đã hành xử thật đàng hoàng, có trách nhiệm. Tôi không biết rằng hành động tôi vẫn cho là hết sức đúng đắn ấy đã đẩy Quỳnh vào một bi kịch với những vết thương có lẽ không bao giờ bình phục.
Tất cả dần hé lộ một cách thật tình cờ khi tôi vừa thôi việc ở HDA, sang làm quyền trưởng nhóm tin quốc tế tại một tờ báo điện tử. So với công việc thứ nhất của tôi, công việc thứ hai này quả thực nhàn đến trì trệ. Nhờ một đồng sự cũ giới thiệu, tôi đi dịch cho mấy đoàn làm phim tài liệu hay phóng sự của đài truyền hình nước ngoài để giết thời gian. Một lần, khi theo đoàn đến quay ở nhà riêng của một chuyên gia Hán Nôm, tôi bắt gặp bức ảnh chụp một cô gái trẻ có gương mặt quen quen trên bàn thờ. Tôi ngờ ngợ nhưng cũng không có ý định mở lời hỏi về một điều chẳng vui vẻ gì như vậy. Tuy nhiên, trong lúc đoàn làm phim thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về, vợ chồng vị chuyên gia Hán Nôm nọ lại hỏi tôi học trường nào ra. Và chỉ bằng một câu trả lời đơn giản theo phép lịch sự, tôi đã khơi lại một câu chuyện, đau thương đấy, nhưng cũng hết sức trớ trêu hoặc vớ vẩn hoặc nực cười… tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả cho chính xác.
Nhân vật chính trong câu chuyện là Phương – người con gái trong bức ảnh trên bàn thờ, cũng là cô bé hay e thẹn nhất trong đoàn tình nguyện mà tôi phụ trách hơn hai năm trước. Còn nhân vật phản diện trong câu chuyện là Quỳnh – người đã lợi dụng sự tin tưởng để cướp bạn trai của Phương, khiến Phương nghĩ quẩn và tự tử. Tôi lắng nghe lời kể nặng nề, thậm chí có phần cay nghiệt của họ, cảm thấy không thể tin được. Việc Phương qua đời khi mới trở về Hà Nội không lâu sau chuyến tình nguyện và việc bố mẹ Phương hoàn toàn chỉ biết người “bạn trai” kia qua lá thư tuyệt mệnh của con gái họ khiến tôi hoài nghi về sự liên quan của chính tôi trong bi kịch này. Tôi quyết định tìm hiểu mọi chuyện.
Việc tìm hiểu chẳng dễ dàng gì. Tôi không thể nghỉ làm, cũng không dám quay lại nhà Phương (tôi vừa không dám khoét sâu vào nỗi đau mất con của bố mẹ Phương, vừa sợ rằng họ sẽ sinh nghi và suy diễn, phản ứng theo hướng tiêu cực hơn nữa), chỉ tranh thủ từng nửa buổi rảnh rỗi một để về trường và đến các nơi liên quan khác. Ban đầu, tôi thấy mình giống kẻ cắm đầu phi xe vào ngõ cụt. Không ai biết tường tận, không ai nhớ rõ, không ai muốn kể lại, không ai muốn đào xới, lật giở. Sau vài tháng loanh quanh mà không có tiến triển, tôi đành cầu cứu bố tôi. Cũng thật kỳ lạ, suốt mấy năm đi học rồi đi làm, tôi chưa hề mở miệng nhờ vả ông chuyện gì, lần đầu tiên quyết định mượn oai cậy thế bố lại là vì một mối ràng buộc mong manh mà ngay cả tôi cũng không biết phải định nghĩa thế nào.
Có bố tôi can thiệp, mọi thứ nhanh chóng sáng tỏ, tôi chắp nối tất cả thành một câu chuyện hoàn chỉnh rồi nhận ra rằng mình đã vô tình phạm những sai lầm liên tiếp, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, khó có thể vãn hồi. Tôi đã không đủ tinh ý để biết là Phương thích mình, cũng không đủ lý trí để giữ khoảng cách với Quỳnh đến cùng. Tôi không đủ tỉnh táo để suy luận một chuyện cực kỳ hiển nhiên là ngoài thầy trưởng đoàn hẳn phải có ai đó nữa biết về nụ hôn giữa tôi và Quỳnh. Tôi cũng chẳng đủ thông minh để hiểu rằng việc mình đùng đùng từ bỏ công việc chờ sẵn ở trường sẽ tạo ra vô số những lời đồn đoán mà người con gái ở phía đối diện tôi trong nụ hôn dại dột kia sẽ phải gánh chịu. Với tất cả sự day dứt bất an, tôi bắt đầu điên cuồng tìm kiếm… phần viết thêm (3 – hết)
Ngoài một cái tên và một gương mặt trong trí nhớ, tôi không có một manh mối nào đáng tin cậy để vin vào. Suốt nửa năm trời, tôi lần theo đủ các hướng suy luận, mò mẫm bắt liên lạc với từng trường đại học khu vực phía Nam, hỏi han thông tin về du học sinh từ đủ các mối quan hệ thân sơ, nhưng tất cả mọi nỗ lực đều dẫn đến một kết quả là không kết quả. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông xuôi nhưng tâm trí cũng bắt đầu lởn vởn những ý tưởng tiêu cực. Một mặt, tôi lo rằng nỗi day dứt của mình chỉ là thừa thãi, rằng Quỳnh thực ra chẳng bị ảnh hưởng chút gì từ chuỗi sự kiện kia và đang yên ổn vui vẻ trong môi trường mới. Mặt khác, tôi lại sợ Quỳnh đã bị những lời đồn, lời phán xét ác ý dồn ép đến mức nghĩ quẩn như Phương rồi lặng lẽ buông tay khỏi thế gian. Đủ mọi suy đoán cứ giằng co trong đầu khiến tôi càng ngày càng thấy mình thiếu tỉnh táo, dễ nổi nóng.
Mẹ tôi có lẽ không phải người duy nhất nhận ra những biểu hiện chỉ kém bệnh tâm thần một chút của tôi, nhưng bà là người duy nhất dám nói thẳng với tôi về điều đó và ép tôi phải thay đổi. Theo yêu cầu của bà, tôi theo học lớp thư pháp nghiệp dư ở một ngôi chùa gần nhà và nhận nuôi một con chó bị tật. Nhờ hai hoạt động chẳng liên quan gì đến nhau ấy, tôi dần tìm lại được sự bình tĩnh. Tôi vẫn cố gắng nghe ngóng tin tức về Quỳnh và vẫn nhận được những kết quả là con số không tròn trĩnh nhưng không cho phép cảm giác thất vọng trước kết quả ấy dẫn dắt cảm xúc của mình nữa mà chỉ nghĩ đơn giản rằng duyên của chúng tôi có lẽ chưa đủ sâu để gặp lại.
Rồi cũng đến lúc cuộc đời cảm thấy đánh đố trêu cợt tôi như vậy là đủ. Sau gần bốn năm, tôi nghe cái tên quen thuộc mà mình vẫn tìm kiếm lâu nay vang lên ở một nơi cũng rất quen thuộc, ngôi chùa nơi tôi học thư pháp.
Đó là một buổi chiều Chủ nhật đầu mùa hè, trời đã hơi oi bức, lớp học thư pháp vừa tan, bố mẹ đi vắng nên tôi không về nhà ngay mà nán lại, ngồi ở bờ hồ phía sau chùa hóng mát. Cách chỗ tôi một quãng, thầy giáo dạy thư pháp của tôi đang trò chuyện với sư trụ trì và sư muội của thầy, một thư pháp gia nữ còn khá trẻ, người thỉnh thoảng vẫn qua chùa để tặng sách vở quần áo cho nhóm trẻ mồ côi mà trụ trì nhận nuôi. Tôi có chào hỏi xã giao vài lần nhưng cũng không rõ nghề chính của chị là gì. Ba người đang trò chuyện thì chị có điện thoại nên tránh ra gần phía tôi đang ngồi để nhận cuộc gọi. Tôi nghe tiếng được tiếng mất thì biết là chị làm giảng viên đại học, còn người gọi đến đang phải chỉnh sửa sai sót gì đó về điểm thi của môn chị dạy. Nội dung cuộc nói chuyện làm tôi nhớ về công việc mà mình suýt làm và cảm thấy không thoải mái. Đúng lúc tôi đứng lên định đi về thì nghe thấy chị đọc ra mấy cái tên sinh viên, trong đó có một cái tên không phải thật kêu nhưng cũng không quá phổ biến – “Phạm Thuỷ Quỳnh”. Và tôi cứ đứng sững sờ tại chỗ.
Phải ngập ngừng mất vài hôm, tôi mới dám liên lạc với chị Thư – sư muội của thầy giáo, kể cho chị nghe về chuyện xảy ra bốn năm trước. Chị đã dành thời gian lắng nghe toàn bộ những gì tôi thu thập, suy đoán, với một thái độ điềm tĩnh và cảm thông hiếm gặp. Chị cũng nói cho tôi tất cả những gì chị biết về cô sinh viên tên Quỳnh của chị. Cô gái ấy không phải là một người xinh đẹp hay xuất sắc nổi bật nên cũng không gây ấn tượng đặc biệt cho chị – một giảng viên môn phụ – và vì thế nên thông tin vô cùng ít ỏi. Tôi không thể xác định đó có phải là Quỳnh mà tôi đang tìm hay không. Đúng lúc đó, toà soạn mở đợt tuyển dụng, tôi bỗng vớ được một lý do vô cùng chính đáng để gặp và xác định xem Quỳnh – sinh viên vừa tốt nghiệp của chị Thư – có phải cũng là Quỳnh trong ký ức của tôi hay không. Sau đó thì tất cả diễn ra như bạn đã biết…
Giờ đây, tôi và Quỳnh yêu nhau. Cuộc đời Quỳnh đã lật sang một trang khác, cuộc đời tôi cũng vậy. Rồi đây, sẽ còn rất nhiều trang của cuộc đời được lật giở. Tôi không biết chúng tôi có thể nắm tay nhau đến tận khi chữ “the end” xuất hiện hay không. Có thể rồi đây Quỳnh cũng sẽ giống như Điệp, một ngày kia nhận ra tôi không phải Mr. Right của em. Có thể rồi đây chúng tôi cũng sẽ giống như muôn vàn đôi tình nhân khác, chia tay vì những thứ hết sức vụn vặt tầm thường. Có thể rồi đây lại một biến cố trớ trêu khác khiến chúng tôi một lần nữa lạc mất nhau trên đường đời. Chẳng sao cả! Điều quan trọng là chúng tôi, Quỳnh, tôi và Tin Tốc, đang ở bên nhau, giây này, phút này…